Tìm phương án 'hút đại bàng về làm tổ', phát triển bền vững

Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư theo đề xuất của Chính phủ.

Cuối năm ngoái, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu - thuế TTTC). Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

Theo Nghị quyết này, thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế TTTC tại Việt Nam.

Việt Nam sẽ có quỹ hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao. Ảnh minh họa

Việt Nam sẽ có quỹ hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao. Ảnh minh họa

Qua rà soát của Tổng cục Thuế, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế TTTC. Ngân sách ước tính sẽ thu được hơn 14.600 tỷ đồng khi 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nộp thuế này.

Tuy nhiên, việc áp thuế TTTC làm dấy lên nhiều lo ngại sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%.

Nghĩa là ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp ngoại sẽ không còn tác dụng, nên có thể ảnh hưởng tới đến khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Đây là lý do để Chính phủ đề xuất lập Quỹ hỗ trợ đầu tư với các chính sách mạnh hơn nhằm giữ chân, thu hút các tập đoàn lớn trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo đó, Quỹ hỗ trợ đầu tư do Chính phủ lập, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Quỹ này sẽ dành nguồn lực cho doanh nghiệp công nghệ cao (bán dẫn, AI...), đơn vị có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hoặc ứng dụng công nghệ cao; dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).

Để được hỗ trợ, doanh nghiệp cần có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, với vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc doanh thu ít nhất 20.000 tỷ đồng một năm.

Ngoài ra, doanh nghiệp có dự án trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu AI cần có vốn tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc doanh thu 10.000 tỷ đồng một năm, trừ một số trường hợp như đầu tư các trung tâm R&D có vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng…

Thời gian qua, nhiều “ông lớn” trên thế giới đã đến “làm tổ” tại Việt Nam và hướng tới các tiêu chí xanh như dùng năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ máy móc, có các cam kết liên quan đến bảo vệ môi trường, khí hậu…

Đơn cử như dự án đóng vai trò “bước ngoặt” dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam trị giá 1,3 tỷ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) ở Bình Dương. Hay nhà máy bia Heineken ở Bà Rịa - Vũng Tàu có kế hoạch vận hành 100% từ năng lượng tái tạo, 97% nhiệt năng sinh khối sử dụng để nấu bia của nhà máy này được cung cấp từ một doanh nghiệp đối diện nhà máy, ngay trong tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân….

Tuy nhiên, thách thức trong hành trình thu hút FDI xanh không phải không có và Việt Nam cần rốt ráo cải thiện những thách thức này để đón nhiều hơn dòng vốn FDI xanh.

Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á nhận thấy, đất nước phải đối mặt với những rào cản trong việc tuân thủ trọng tâm chuỗi cung ứng xanh của Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể như việc thực thi các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường. Song song với đó, việc áp dụng công nghệ xanh đòi hỏi phải đầu tư rất lớn. Việc đảm bảo nguồn cung ứng minh bạch, bền vững từ các nhà cung cấp địa phương cũng là một thách thức không nhỏ của đất nước

Đề cập về sự cần thiết của việc lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư tại phiên họp cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư diễn ra chiều 11/12, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, việc ban hành Nghị định là hết sức cần thiết nhằm kịp thời cụ thể hóa các định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi đầu tư; củng cố vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, tăng tính hiệu quả của hệ thống chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

"Nghị định nhằm ổn định môi trường đầu tư; đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia trong nước và nước ngoài đầu tư vào một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghệ cao", bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư áp dụng đối với Quỹ, các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam đáp ứng tiêu chí và điều kiện tại Nghị định này và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.

Đối tượng áp dụng hỗ trợ đầu tư gồm: Doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển. Tiêu chí xác định doanh nghiệp cao và doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao đang được quy định tại pháp luật công nghệ cao.

Do đó, việc áp dụng hỗ trợ cho đối tượng này sẽ không gây xáo trộn so với quy định hiện hành; phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế dài hạn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế, đặc biệt trong các ngành nghề lĩnh vực công nghệ cao đang là xu hướng mới trên thế giới như bán dẫn, AI; thúc đẩy việc đưa hoạt động R&D về Việt Nam để nâng cao nền tảng công nghệ gốc, phát triển nhân lực khoa học công nghệ tại Việt Nam. Tập trung nguồn lực nhằm thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực ưu tiên; tránh ưu đãi dàn trải, tạo sự đột phá để đảm bảo vị thế cạnh tranh của Việt Nam, hạn chế tối đa tác động đến ngân sách Nhà nước.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với dự thảo Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ cân nhắc để hướng tới mục tiêu Quỹ cũng được sử dụng cho việc khuyến khích đầu tư đối với các doanh nghiệp trong nước và các lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư khác theo Nghị quyết 110/2023/QH15; đồng thời cần quan tâm bảo đảm giải quyết các trường hợp khiếu nại về bảo đảm đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung nhưng không được hưởng hỗ trợ của Quỹ.

Về tiêu chí, điều kiện hỗ trợ, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cân nhắc, làm rõ một số vấn đề như: số doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện, tiêu chí theo dự thảo Nghị định, dự kiến tổng số tiền cần hỗ trợ tại thời điểm hiện nay cũng như dự kiến trong tương lai; một số khoản hỗ trợ được quy định trong dự thảo theo mức tối đa sẽ dễ tạo ra cơ chế thực hiện không chuẩn mực; thiếu sự gắn kết giữa các tiêu chí, điều kiện với khả năng thực hiện kiểm tra, giám sát trên thực tế khi đánh giá, xét duyệt hồ sơ và thực hiện hậu kiểm; chưa có quy định về trách nhiệm và hình thức xử lý khi tổ chức, cá nhân xét duyệt hỗ trợ chi phí sai mức, sai đối tượng, có các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng Quỹ,...

Trả lời trên Báo Thanh niên, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ ủng hộ việc thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư sau khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo ông, những ưu đãi về thuế, phí như trước đây dành cho doanh nghiệp FDI cũng không còn phù hợp trong bối cảnh xu hướng mới, nhất là việc phát triển những công nghệ cao như bán dẫn, AI. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ ưu tiên lựa chọn các quốc gia có môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, môi trường kinh tế - xã hội ổn định.

Hay như quốc gia nào có những chi phí liên quan trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức thấp cũng là một điểm được đánh giá cao. Vì vậy, Việt Nam phải liên tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, các chính sách hay điều kiện đầu tư công khai, rõ ràng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ cần được hỗ trợ để tạo lập nhà ở cho công nhân hay quá trình đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân lực. Ngoài ra là các chính sách hỗ trợ chăm lo đời sống tinh thần của người lao động…

Một số quốc gia có thể hỗ trợ bằng tiền, nhưng theo ông Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam không có nguồn lực mạnh thì nên tập trung ở các chính sách, thủ tục rút gọn, giảm chi phí cho doanh nghiệp nói chung. Riêng đối với lĩnh vực công nghệ cao, nguồn nhân lực là quan trọng. Quỹ hỗ trợ đầu tư đề xuất tỷ lệ hỗ trợ 50% mức chi thực tế dự án đào tạo, phát triển nhân lực mới nghe thì cao, nhưng thực tế đây là đào tạo ngắn hạn nên sẽ không quá nhiều. Tỷ lệ này là phù hợp để thúc đẩy hoạt động của các Doanh nghiệp.

Quan trọng hơn, vị chuyên gia này nhấn mạnh, cần phải xác định ngay từ đầu quan điểm là hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, AI mà không phân biệt là doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp trong nước.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tim-phuong-an-hut-dai-bang-ve-lam-to-phat-trien-ben-vung-95511.html