Tìm phương thức ưu việt về tích tụ ruộng đất - Bài 3: Muôn hình muôn vẻ
Nhiều mô hình tích tụ đất đai đã thành công, doanh nghiệp có lợi nhuận cao, nông dân phấn khởi. Sự năng động đó đã gia tăng niềm tin vào chủ trương mở rộng hạn điền, đẩy lùi nỗi ám ảnh quá khứ về việc bần cùng hóa nông dân, hình thành tầng lớp địa chủ mới.
Tuy nhiên, trên thực tế, đất đai và sở hữu đất đai ở từng địa phương, từng vùng miền có những đặc điểm khác nhau, thậm chí mỗi mảnh đất có một lai lịch khác nhau mà ngoài những chủ trương, chính sách chung, còn có những vấn đề do “lịch sử để lại”. Do đó, việc tìm ra một phương thức ưu việt trong quá trình tích tụ đất đai ngoài việc dựa vào những chủ trương, chính sách chung của Nhà nước, còn rất cần sự tận tâm, tận tụy, công bằng và sáng tạo của chính quyền từng địa phương.
“Muôn hình muôn vẻ”, đó là mô tả của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh về thực trạng tích tụ đất đai đã và đang diễn ra. Đây được coi là chủ trương “nóng” trong thời gian gần đây ở nhiều địa phương, khi nhu cầu đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của nông dân tăng cao, nhu cầu đầu tư nông nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp, các tổ chức ngày càng lớn.
Khảo nghiệm giống lúa mới nghiên cứu của Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Thực tế chủ trương tích tụ ruộng đất đã được khởi đầu từ thời kỳ đổi mới năm 1986 với các bước đi thích hợp theo nhiều phương thức khác nhau. Trong những năm qua, việc tích tụ ruộng đất được nhiều địa phương trong cả nước thực hiện với những hình thức và bước đi khá đa dạng và sáng tạo, trong đó có thể thấy nổi bật 3 phương thức.
Dồn điền đổi thửa là phương thức tập trung, tích tụ ruộng đất khá phổ biến ở nước ta. Đây được xem là bước đi khởi đầu cho việc tập trung ruộng đất trước tình trạng ruộng đất manh mún. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trước đây phương án giao đất nông nghiệp dựa theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng giữa người sử dụng đất (không những chia đều về diện tích, mà còn chia đều cả ruộng tốt, ruộng xấu, ruộng gần, ruộng xa, ruộng cao, ruộng thấp), dẫn đến tình trạng sử dụng đất nông nghiệp manh mún.
Quy mô canh tác đất nông nghiệp quá nhỏ bé của từng hộ gia đình, cá nhân đã hạn chế quá trình chuyển dịch cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, đồng thời còn hạn chế việc áp dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp và là lý do cản trở công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Với diện tích đất bình quân hộ nông nghiệp chỉ vào khoảng 0,46 ha và trung bình được chia thành 2,83 mảnh, quy mô diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam thấp hơn Trung Quốc và thấp hơn rất nhiều so với các nước khác ở châu Á. Vì vậy chủ trương dồn điền đổi thửa là một chủ trương lớn, là tiêu chí hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Tuy nhiên, do thiếu hướng dẫn cụ thể và thiếu sự đầu tư kinh phí nên việc dồn điền đổi thửa còn hạn chế như thời gian thực hiện kéo dài (có địa phương tổ chức thành nhiều đợt, thực hiện trong nhiều năm chưa xong); số lượng thửa đất sau đồn đổi vẫn còn nhiều nên việc ứng dụng cơ giới hóa còn khó khăn, sản xuất vẫn manh mún và hiệu quả không cao.
Cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là phương thức thứ hai của tích tụ ruộng đất đang được nhiều nơi áp dụng. Với kinh nghiệm thực tế của quá trình tích tụ ruộng đất ở Ninh Bình, một trong những địa phương được đánh giá là có những đột phá nhất định trong sản xuất nông nghiệp nhờ tích tụ ruộng đất, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng, tập trung, tích tụ đất đai dưới hình thức doanh nghiệp thuê đất của các hộ nông dân để sản xuất được đánh giá là giải pháp tối ưu nhất, nông dân được hưởng lợi nhiều nhất.
Hình thức trả tiền cho thuê ruộng theo từng vụ, từng năm hoặc nhiều năm đảm bảo thuận tiện cho cả người thuê và người cho thuê. Thời gian cho thuê được thỏa thuận ổn định (5 hoặc 10 năm) để người thuê có thời gian đầu tư vốn, triển khai áp dụng các kỹ thuật mới trong sản xuất.
Tuy nhiên, theo báo cáo đổi mới chính sách đất đai cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nguồn gốc đất nông nghiệp nông thôn có 40% do Nhà nước giao, 34% thừa kế, chỉ 12% là mua trực tiếp hoặc đấu giá, còn lại là đất đai khai hoang hoặc nguồn gốc khác.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất hiện nay hoàn toàn theo cung cầu và thỏa thuận của các bên theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ đóng vai trò theo dõi và quản lý biến động về đất đai. Tất cả các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải làm đầy đủ các thủ tục sang tên trước bạ, chuyển quyền sử dụng đất từ người này sang người khác và phải nộp đầy đủ các loại phí, thuế theo quy định.
Thực tế, thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp hoạt động rất yếu, thậm chí có xu hướng giảm hoạt động. Thị trường cho thuê đất kém hơn rất nhiều so với thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp. Nguyên nhân chủ yêu vẫn do tính pháp lý của quy trình cho thuê, chuyển nhượng vẫn rất bấp bênh, nhiều trường hợp chuyển nhượng đất cho nhau chỉ viết giấy trao tay hoặc có làm chứng của hàng xóm. Hơn nữa, hạn mức về hạn điền đối với các nhân hoặc tổ chức theo quy định của Luật Đất đại hiện nay cũng là một cản trở để có thể tích tục ruộng đất ở quy mô lớn.
Hình thức thứ ba là góp ruộng, góp quyền sử dụng đất. Đây là hình thức tích tụ, tập trung đất đai thông qua việc nông dân tự nguyện góp đất cùng tiến hành tổ chức sản xuất, kinh doanh và cùng hưởng lợi thành quả sản xuất. Cũng có thể là người nông dân góp đất, góp vốn, công sức vào hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc doanh nghiệp và được hưởng lợi nhuận theo quy chế thỏa thuận, phù hợp với pháp luật của Nhà nước (thông thường theo tỷ lệ góp đất, góp vốn).
Ở hình thức này, phần lớn doanh nghiệp sẽ đóng vai trò cốt lõi, đứng ra để thỏa thuận với người về bao tiêu sản phẩm đầu ra, cách thức tổ chức sản xuất, về tỷ lệ lợi nhuận hoặc về giá mua lại sản phẩm sau khi thu hoạch… Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp, hỗ trợ về tư liệu sản xuất đầu vào (giống cây trồng, phân bón, máy móc thiết bị…), kỹ thuật canh tác cho nông dân. Còn nông dân góp đất và công lao động để tổ chức sản xuất theo hợp đồng đã ký kết và dưới sự giám sát của doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Trần Du Lịch, để có thể thay đổi mô hình sản xuất có thể tiến hành nhiều cách. Hình thức mua quyền sử dụng đất có ưu điểm là người tích tụ có quyền sử dụng lâu dài, mang tính vĩnh viễn, đất được xem là của họ nên họ yên tâm đầu tư. Nhưng cách này có nhược điểm là cần vốn rất lớn và về mặt xã hội, một bộ phận nông dân sẽ mất đất. Chính vì vậy mà phải đặt ra vấn đề hạn điền.
Hình thức thuê thêm đất theo cơ chế, chính sách rõ ràng về giá thuê, thời gian thuê, người nông dân cho thuê đất sẽ không còn đất canh tác riêng, nhưng họ có thể vừa nhận được tiền thuê đất vừa làm thuê để lĩnh lương trên chính mảnh đất của mình. Như vậy, họ vẫn còn chứ không bị mất đất. Mặc khác, nếu doanh nghiệp mua quyền sử dụng đất của nông dân thì dĩ nhiên phải chịu thuế, nhưng nếu chỉ thuê thì sẽ được miễn giảm thuế, như vậy sẽ kích thích hình thức thuê.
“Chọn hình thức nào để chuyển đổi thì nên linh động tùy từng lĩnh vực, ngành nghề, từng địa bàn… Về nguyên tắc, chúng ta chỉ nên chống hình thức “phát canh thu tô”, tức là mua rồi cho thuê lại. Còn như trực tiếp kinh doanh, sản xuất ra sản phẩm thì tôi nghĩ là không nên giới hạn quy mô vì thực tế trong lĩnh vực dịch vụ, nhà nước đã đồng ý cho doanh nghiệp khai thác hàng trăm héc ta đất để làm resort, làm khu nghỉ dưỡng được thì tại sao vài trăm héc ta để tập trung sản xuất nông nghiệp lại không được”, TS. Trần Du Lịch nêu quan điểm.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, rất nhiều mô hình rất hay, như liên kết sản xuất "cánh đồng lớn", doanh nghiệp đứng ra tổ chức sản xuất nhưng vẫn là đất của nông dân. Họ liên kết với nhau để doanh nghiệp làm “nhạc trưởng” đầu tư cùng một giống, một quy trình canh tác, cùng một sản phẩm như mô hình của Tập đoàn Lộc Trời đã phát triển rất bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long; mô hình của Công ty Đồng Giao (Ninh Bình) liên kết với các nông dân của Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Một mô hình khác nữa của Tập đoàn Cao su Việt Nam khi để nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất quy thành lượng vốn quy thành lượng vốn thông qua định giá của từng héc ta đất để góp cho doanh nghiệp và nông dân lại là trở thành công nhân cho doanh nghiệp đó. Hay mô hình tự các nhóm nông dân góp đất với nhau cùng làm ra một sản phẩm trên quy mô diện tích lớn...
“Cần có một cuộc rà soát đánh giá lại, xem hiệu quả của các mô hình đó, mô hình nào thực sự ưu việt thì trước mắt nên có những chính sách khuyến khích”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
(Còn tiếp)
Thanh Hương (TTXVN)