Tìm ra bằng chứng về lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trước khi phát triệu chứng

Nghiên cứu này có thể giúp giải thích cách virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã vượt khỏi tầm kiểm soát trong thời gian qua.

Ống xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Reuters

Ống xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Reuters

Tờ Guardian đưa tin ngày 2/11, nhóm nghiên cứu tại Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) vừa công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Anh (BMJ) về việc xác định được bằng chứng về sự lây truyền bệnh đậu mùa khỉ diễn ra từ vài ngày trước khi các triệu chứng nhiễm bệnh xuất hiện.

Nếu được nhân rộng, phát hiện này sẽ giúp nâng cao nhận thức về cách virus đậu mùa khỉ lây lan. Điều này có thể giúp giải thích cách bệnh đậu mùa khỉ đã vượt khỏi tầm kiểm soát trong năm nay, cũng như cải thiện các nỗ lực để chống lại căn bệnh này.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ về bệnh đậu mùa khỉ hiện nay chỉ ra rằng một bệnh nhân có thể lây virus cho người khác từ khi khởi phát triệu chứng cho đến khi lành hẳn nốt phát ban. Trong khi CDC tuyên bố rằng cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy căn bệnh này lây lan từ những người không có triệu chứng, nhưng cơ quan này vẫn đang theo dõi các thông tin mới.

“Đó là một nghiên cứu quan trọng và có khả năng gây tranh cãi”, Tiến sĩ Esther E Freeman, Giám đốc Khoa Da liễu tại Trường Y Harvard nhận xét. Theo ông, nó cung cấp bằng chứng cho thấy sự lây truyền trước khi phát triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ đang diễn ra.

Nhưng giống như bất kỳ báo cáo ban đầu nào, nó vẫn cần được xác nhận bằng cách sử dụng các dữ liệu trong thế giới thực khác.

Là một họ hàng của đậu mùa, lần đầu tiên bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện ở người vào năm 1970 và là bệnh đặc hữu của 11 quốc gia châu Phi. Trong đợt bùng phát quy mô toàn cầu chưa từng thấy hồi tháng 5, virus này chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục giữa nam giới.

Theo CDC Mỹ, trên toàn cầu có 77.174 người mắc bệnh đậu mùa khỉ ở 109 quốc gia, trong đó có 28.442 người ở Mỹ.

Số ca mắc trên toàn cầu và Mỹ đã giảm đều đặn kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 8, có khả năng là nhờ tiêm chủng, thay đổi thói quen quan hệ tình dục và khả năng miễn dịch sau khi mắc.

Các tác giả của nghiên cứu mới kể trên đã kiểm tra dữ liệu giám sát định kỳ do UKHSA thu thập từ 2.746 người được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Anh trong khoảng thời gian từ ngày 6/5 đến ngày 1/8. Phần lớn bệnh nhân là nam giới và quan hệ tình dục đồng giới.

Theo giải thích, các tác giả nghiên cứu đã sử dụng phương pháp điều chỉnh thống kê thích hợp đối với nguồn dữ liệu trong phân tích của họ. Cụ thể, họ đã sử dụng các mô hình toán học để kiểm soát các yếu tố khác nhau có thể dẫn đến sự sai lệch, chẳng hạn như tỷ lệ lây nhiễm ở Anh đang thay đổi.

Tùy thuộc vào các mô hình toán học được sử dụng, khoảng thời gian lây nhiễm nối tiếp trung bình ngắn hơn từ 0,3-1,7 ngày so với thời gian ủ bệnh trung bình, thường là khoảng một tuần. Điều này cho thấy một tỷ lệ đáng kể các trường hợp - ước tính khoảng 53% - bị lây nhiễm trước khi có triệu chứng.

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng bị giới hạn bởi thực tế là nó phụ thuộc vào những tường thuật không hoàn toàn đáng tin cậy về quan hệ tình dục và thời điểm xuất hiện triệu chứng.

Một nghiên cứu riêng biệt ở Pháp vừa được xuất bản vào tháng 10 đã làm dấy lên nghi ngờ rằng bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Trong số các mẫu gạc lấy dịch hậu môn của 200 người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới không có triệu chứng của bình thì có 13 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Ít nhất hai người trong số đó cuối cùng đã phát triển triệu chứng.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Guardian)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tim-ra-bang-chung-ve-lay-nhiem-benh-dau-mua-khi-truoc-khi-phat-trieu-chung-20221103105740338.htm