Tìm ra dự án xuất sắc trong cuộc thi 'Dự án Đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects'

Dự án 'Hệ thống xử lý nước trong nuôi tôm' của nhóm bạn sinh viên trường ĐH Cần Thơ giành giải Giải pháp hiệu quả nhất và Phần trình bày xuất sắc nhất trong cuộc thi cuộc thi 'Dự án Đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects'.

Nói về ý tưởng của dự án, nhóm cho biết: “Hiện nay, tại các vùng nuôi tôm trên cả nước, việc xử lý nước đầu vào và nước thải nuôi tôm đều phải sử dụng một lượng lớn hóa chất thuốc tím (pemanganat) hoặc clo (Chlorine) để khử trùng và diệt vi sinh vật gây hại cho tôm nên môi trường ngày càng ô nhiễm và độc hại cho con người. Bên cạnh đó, chi phí để đảm bảo nguồn nước đạt tiêu chuẩn trong trang trại nuôi tôm lên đến hơn 2.000 đồng/m3".

Nhóm đề xuất dự án “Hệ thống xử lý nước trong nuôi tôm” nhằm thay thế việc sử dụng thuốc tím (pemanganat) hoặc clo (Clo) bằng phương pháp điện hóa – siêu âm kết hợp với sục khí ozone nhằm giảm tác hại của hóa chất đối với môi trường và con người, cũng như giảm chi phí trong sản xuất.

Hệ thống sẽ sử dụng công nghệ điện hóa nước biển để tạo ra dung dịch nước muối điện phân (nước anolyte), sau đó thông qua thiết bị siêu âm có công suất 150W hoạt động ở tần số 26kHz để tạo ra các bọt khí siêu nhỏ (nanobubbles) tiêu diệt hầu hết vi khuẩn và vi sinh vật có hại cho tôm, giúp khử mùi từ thức ăn thừa và hóa chất độc hại tồn đọng trong nước. Cuối cùng nước sẽ đi qua máy sục khí ozon để tiêu diệt các vi khuẩn còn sót lại trong nước. Máy sục khí ozone cũng sẽ được sử dụng song song trong các bể nuôi tôm với nồng độ xác định. Hệ thống sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như giảm chi phí trong quá trình sản xuất.

Nhóm dự án trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) trình bày dự án trước Ban Giám khảo.

Nhóm dự án trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) trình bày dự án trước Ban Giám khảo.

Chương trình eProjects kết nối sinh viên và doanh nghiệp tìm ra các giải pháp đổi mới sáng tạo cho các vấn đề thực tiễn. Sinh viên có thể phát huy các kỹ năng quản lý dự án, làm việc nhóm và giao tiếp; đồng thời có thể áp dụng các kiến thức mới học vào môi trường làm việc có trong chương trình. Thông qua sự cố vấn tỉ mỉ, sinh viên có thể học thêm kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm. Đây là những kỹ năng cần phải có để thành công trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật tiên tiến.

Trong buổi chung kết, các nhóm sinh viên đưa ra các giải pháp có được khi làm việc với cố vấn để giải quyết các vấn đề xã hội và kinh doanh thực tế. Các nhóm dự án phải trình bày các ý tưởng dự án của mình trên poster, bao gồm cả thiết kế nguyên mẫu và mục tiêu đạt được.

Trong sáu năm liên tiếp tổ chức, cuộc thi 'Dự án Đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects' đã thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường đại học với doanh nghiệp thông qua Đổi mới và Công nghệ (BUILD-IT) do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, được thực hiện bởi ĐH Bang Arizona hợp tác với Chương trình STEM của Dow Việt Nam.

PGS. TS Phan Thị Mai Hà, giảng viên khoa Cơ khí, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) cho biết, các dự án dự thi năm nay đều đáp ứng một số yêu cầu nhất định mà doanh nghiệp đề ra tùy mức độ. Tuy nhiên, theo PGS. TS Phan Thị Mai Hà, các nhóm sinh viên cần đẩy mạnh nghiên cứu và cải tiến hơn nữa các sản phẩm của mình.

Hà Chi

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tim-ra-du-an-xuat-sac-trong-cuoc-thi-du-an-doi-moi-sang-tao-ky-thuat-eprojects-post1521529.tpo