Bình Thuận: Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

Ngành Công Thương Bình Thuận đã và đang làm tốt việc phát triển, quản lý mạng lưới thương mại điện tử nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp, cá nhân chủ động ứng dụng thương mại điện tử

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, hàng năm, đơn vị này đã xây dựng kế hoạch phát triển thương mại điện tử và tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại điện tử cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Cùng với đó, Sở thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân ứng dụng thương mại điện tử; tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho doanh nghiệp về thương mại điện tử theo các chủ đề chuyên sâu, phù hợp với địa phương và lĩnh vực kinh doanh. Đồng thời, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử ở địa phương; nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Giao diện sàn thương mại điện tử tỉnh Bình Thuận - (Ảnh chụp màn hình)

Giao diện sàn thương mại điện tử tỉnh Bình Thuận - (Ảnh chụp màn hình)

Theo đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã xây dựng website giới thiệu, thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ của mình.

Đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận có 112 website thương mại điện tử của 96 doanh nghiệp, cá nhân đã được Sở Công Thương thông báo với Bộ Công Thương; 2 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của 2 tổ chức, doanh nghiệp đã đăng ký với Bộ Công Thương với tên miền là “sanphamdiaphuong.com.vn” của Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận và tên miền là “s24.com.vn” của Công ty TNHH Thương Mại Dịch vụ Tổng Hợp Nhất Vinh.

Đồng thời, trên địa bàn tỉnh cũng có 1 ứng dụng bán hàng đã thông báo với Bộ Công Thương là “Dịch Vụ Kỹ Thuật - Đặt dịch vụ sửa chữa tận nơi” của Công ty TNHH Công Nghệ Soc Smart; 1 ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã đăng ký với Bộ Công Thương là “s24” của Công ty TNHH Thương Mại Dịch vụ Tổng Hợp Nhất Vinh.

Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

Năm 2021, sàn thương mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng (tại địa chỉ https://sanphamdiaphuong.com.vn) đã đi vào hoạt động phi lợi nhuận và không thu phí.

Sau đó, năm 2023, sàn này được Bộ Công Thương phê duyệt Đề án “Nâng cấp Sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ kết nối giao thương 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng”. Đồng thời, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai kết nối sàn thương mại điện tử ngành Công Thương với Sàn thương mại điện tử quốc gia (https://sanviet.vn) để nâng cao hiệu quả khai thác.

Qua đó, sàn thương mại điện tử của 3 tỉnh đã được nâng cấp, hoàn thiện, bổ sung đầy đủ các tính năng, chính thức đưa vào hoạt động từ đầu tháng 4/2024 và hiện trên sàn đã có 74 gian hàng đăng ký tham gia với gần 180 sản phẩm.

Giới thiệu sàn thương mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng - (Ảnh: Báo BT)

Giới thiệu sàn thương mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng - (Ảnh: Báo BT)

Để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh tăng uy tín và sức cạnh tranh, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triển khai hoàn thành xây dựng phần mềm “Truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh” (truyxuatsanphambinhthuan.com.vn) đi vào hoạt động phi lợi nhuận và không thu phí.

“Hiện phần mềm này không những giúp hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tự tạo mã QR trên sản phẩm của đơn vị, mà còn góp phần bảo vệ người tiêu dùng tránh phải trường hợp mua hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ”, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đánh giá

Quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử của doanh nghiệp

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, để quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử, nắm bắt tình hình hoạt động của các thương nhân, doanh nghiệp của tỉnh kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn.

Thời gian qua, đơn vị đã có văn bản gửi các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Sendo, Tiki và đề nghị các này gửi danh sách các thương nhân, doanh nghiệp của tỉnh Bình Thuận đã đăng ký, giao dịch, doanh số và số lượng sản phẩm của các thương nhân, doanh nghiệp của tỉnh Bình Thuận đã bán được trên các sàn.

Một buổi tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức thực thi pháp luật về thương mại điện tử tỉnh Bình Thuận - (Ảnh: CTV)

Một buổi tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức thực thi pháp luật về thương mại điện tử tỉnh Bình Thuận - (Ảnh: CTV)

Qua đó, Sở Công Thương đã thống kê được 64 gian hàng của tỉnh đang kinh doanh trên sàn Sendo; 60 gian hàng đang kinh doanh trên sàn Tiki. Trên sàn thương mại điện tử sanphamdiaphuong.com.vn có 120 tài khoản đăng ký tham gia; 69 cá nhân trên địa bàn tỉnh có nhận thu nhập từ Google, Facebook…

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra và xử lý 8 vụ vi phạm về thương mại điện tử, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 181 triệu đồng, tịch thu nhiều loại hàng hóa. Các hành vi vi phạm là không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không công bố trên website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu website.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại điện tử để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; tuyên truyền, phổ biến thường xuyên nội dung quy định về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nếu có. Triển khai các giải pháp khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử ứng dụng tài khoản định danh điện tử, ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip hoặc dữ liệu dân cư để xác thực thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các Sàn thương mại điện tử theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Tăng cường quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các doanh nghiệp lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-thuan-ho-tro-doanh-nghiep-co-so-san-xuat-dua-san-pham-len-san-thuong-mai-dien-tu-330287.html