Tìm ra nguyên nhân khiến loài chuột túi khổng lồ thời tiền sử diệt vong

Những con chuột túi khổng lồ thời tiền sử đã bị diệt vong khi biến đổi khí hậu biến khu rừng nhiệt đới Australia sum suê thành sa mạc.

Loài kangaroo protemnodon thời tiền sử (được thể hiện trong hình minh họa) thích ăn lá rừng nhiệt đới 'vì có rất nhiều lá xung quanh', một chuyên gia cho biết. Ảnh: theguardian.com

Loài kangaroo protemnodon thời tiền sử (được thể hiện trong hình minh họa) thích ăn lá rừng nhiệt đới 'vì có rất nhiều lá xung quanh', một chuyên gia cho biết. Ảnh: theguardian.com

Đây là kết quả được các nhà khoa học công bố ngày 24/4 sau khi nghiên cứu hóa thạch cổ đại bằng những kỹ thuật mới.

Nặng 170 kg, to gần gấp đôi những con chuột túi ngày nay, những con chuột túi cổ đại Protemnodon đã tuyệt chủng này, từng nhảy khắp Australia 5 triệu năm trước. Các nhà nghiên cứu đã tái tạo thành công những tập tính kiếm ăn của quần thể này bằng cách so sánh những hóa chất tồn tại lâu từ răng hóa thạch với những tảng đá mới khai quật gần đây.

Nhà khoa học Scott Hocknull thuộc Bảo tàng Queenslan cho biết đã sử dụng hóa thạch để theo dõi các cá thể xem chúng di chuyển ở đâu, chúng ăn gì, chúng sinh sống với những loài nào và chúng chết ra sao. Kết quả cho thấy những động vật ăn cỏ lớn này từng sống trong khu rừng nhiệt đới sum suê và hiếm khi đi xa nhà để tìm thức ăn.

Tuy nhiên, khu rừng này bắt đầu khô héo khoảng 300.000 năm trước trong bối cảnh khí hậu khu vực này trở nên ngày càng khô và không ổn định. Đây được cho là nguyên nhân khiến những con chuột túi khổng lồ này diệt vong.

Các phát hiện trên đã được công bố trên tạp chí PLOS One.

Thúc Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tim-ra-nguyen-nhan-khien-loai-chuot-tui-khong-lo-thoi-tien-su-diet-vong-20250424175534967.htm