Tìm ra phần cơ thể chưa từng biết của quái thú lớn nhất mọi lục địa
Lần đầu tiên dung nhan của siêu quái thú lớn nhất từng bước đi trên Trái Đất được tiết lộ đầy đủ thông qua một hộp sọ khổng lồ vừa được khai quật tại Hệ tầng Winton ở bang Queensland nước Úc.
Đó là hộp sọ hóa thạch của một con thằn lằn hộ pháp, tức titanosaurus, nhánh lớn nhất của khủng long chân thằn lằn sauropod.
Thằn lằn hộ pháp là nhóm sinh vật lớn nhất từng bước đi trên các lục địa, với con lớn nhất từng được xác định nặng tới 69 tấn, tức so với mọi sinh vật Trái Đất thì chỉ thua cá voi xanh hùng cứ đại dương.
Hộp sọ của con vừa được khai quật thuộc về loài Diamantinasaurus matildae, không phải loài lớn nhất của thằn lằn hộ pháp, với kích thước cơ thể dài khoảng 16 m, nặng 25 tấn. Tuy nhiên với những chi tiết mới được hé lộ, nó hứa hẹn cung cấp khuôn mặt chi tiết của nhóm quái thú vĩ đại mà nó thuộc về.
Theo Sci-News, chỉ có ba mẫu vật, bao gồm 1 mẫu gồm vài chi tiết hộp sọ khác của loài Diamantinasaurus matildae, từng được khai quật.
Mẫu vật mới, được đặt tên là Ann, là bước đột phá lớn bởi là hộp sọ gần như hoàn chỉnh với những phần chưa từng được biết đến ở loài này, cũng như ở nhóm thằn lằn hộ pháp lớn hơn.
Ngoài ra, một bàn chân sau cũng gần như hoàn chỉnh của quái thú cũng lộ diện tại Hệ tầng Winton, theo trưởng nhóm nghiên cứu - nhà cổ sinh vật học Stephen Poropat từ Đại học Curtin (Perth - Úc).
"Hộp sọ này cho chúng ta cái nhìn hiếm hoi về giải phẫu của loài sauropod khổng lồ sống ở Đông Bắc nước Úc gần 100 triệu năm trước. Khi phân tích các phần còn lại, chúng tôi cũng tìm thấy những điểm tương đồng giữa hộp sọ của Ann và hộp sọ của một loài khủng long khổng lồ tên Sarmientosaurus musacchioi sống ở Nam Mỹ cùng thời" - tiến sĩ Poropat tiếp lời.
Mẫu vật mới bao gồm các chi tiết được bảo quản tốt của hộp chứa não, xương tạo nên thành phần cuối của hộp sọ gần khớp hàm và cung cấp cả hình dạng của răng.
Loài quái thú này là một trong những khủng long khổng lồ nguyên thủy nhất, và có thể hứa hẹn giải thích vì sao khủng long khổng lồ rất thành công trong việc lan tỏa khắp thế giới vào thời hoàng kim của khủng long - cuối kỷ Phấn Trắng, trước khi bị tiểu hành tinh Chicxulub làm kết thúc đột ngột.
Điều này có thể liên quan đến sự ấm áp bất thường của giai đoạn từ 100 triệu năm về trước đến 95 triệu năm về trước, ấm hơn bây giờ rất nhiều. Nam Cực không có băng khi đó trở thành một vùng đất hứa cho sauropod và có thể cũng là quê hương của loài này.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Royal Society Open Science.