Tìm sao trong OCOP Lâm Đồng (Bài 2)

TIN LIÊN QUAN

Tìm sao trong OCOP Lâm Đồng (Bài 1)

Gọi tên “may mắn” từ hạt thanh long

Mười năm cần mẫn nghiên cứu và tổng hợp kinh nghiệm, cựu chiến binh Phạm Quốc Việt (sinh năm 1961) ở xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh đã gieo ươm hạt thanh long “đột biến” trở thành hàng chục loại cây cảnh trang trí nội thất mang tên may mắn.

Chủ nhân Phạm Quốc Việt giữa khu vườn cây may mắn trang trí nội thất 4 sao OCOP Lâm Đồng

Chủ nhân Phạm Quốc Việt giữa khu vườn cây may mắn trang trí nội thất 4 sao OCOP Lâm Đồng

Cây may mắn có giá đến 150.000 đồng

Thông điệp từ sản phẩm cây trang trí nội thất nhãn hiệu Phạm Quốc Việt ở xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh mang may mắn đến khách hàng cấp quốc gia và cấp toàn cầu, hiện đã được chính quyền tỉnh Lâm Đồng chứng nhận hạng 4 sao.

Cuối tháng 3/2020, nắng nóng đầu mùa khô hạn Di Linh như dịu lại khi phóng viên bước vào thế giới cây cảnh tí hon của hộ gia đình cựu chiến binh Phạm Quốc Việt. Ở đây, với tổng diện tích 8.000 m2 chia thành 2 khu vực nhà kính sản xuất cây giống và nhà kính thiết kế tạo dáng, bày bán cây thành phẩm. Bên cạnh đó, còn bố trí diện tích hàng trăm mét vuông đất ngoài trời để chăm sóc, bảo tồn nguồn giống các loại cây cảnh đầu dòng thu hạt gieo ươm hoặc khai thác giâm hom. Lúc này có hơn 30 người lao động đang làm việc tại đây với các công đoạn phối trộn giá thể, ươm hạt cây, tưới nước, tạo hình cây dáng thú, đưa cây vào chậu, sắp xếp cây thành phẩm, tiếp xúc khách hàng… khá nhịp nhàng, thuần thục. Phóng viên đến gần quan sát càng rõ nét những kiểu dáng độc, lạ, lôi cuốn của từng loại cây tỏa rễ trong chiếc bình sứ nhỏ nhắn, cành lá chọn lọc cân đối, tạo hình cây quả cầu, hình loài vật ngộ nghĩnh, hài hòa trên nền cỏ lá phủ một màu xanh ngát tự nhiên. Chiều cao của hàng chục loại cây cảnh ở đây đều được khống chế từ một đến ba gang tay, tương ứng với đường kính tán lá cũng không quá ba gang tay. “Tính riêng trong một tháng vừa qua, cơ sở chúng tôi bán hơn 10.000 loại cây cảnh tí hon tạo hình nhiều con vật như gấu, mèo, thỏ, chó, heo… theo nhu cầu của khách hàng trong nước đặt trước. Cơ sở chúng tôi gọi chung tên gọi cho tất cả sản phẩm cây cảnh tí hon làm ra là cây may mắn. Giá bán sỉ từ 60.000 đồng đến 150.000 đồng/cây…”, chị Vũ Thị Thu, vợ anh Phạm Quốc Việt nói.

Phóng viên được chủ nhân Phạm Quốc Việt đưa vào khám phá khu vườn cây đầu dòng tạo ra các loại cây may mắn quanh năm cung ứng theo nhu cầu thị trường. Đó là tên các loại cây tùng la hán, kim giao, cẩm thạch, ngũ gia bì, thần tài... đã trồng gần 10 năm, chiều cao trung bình từ 3-5 m, hiện đang được chăm sóc đặc biệt để nhân giống hàng loạt “cây chủ” hòa nhập, “đồng hóa” vào đời sống chung với cây may mắn. Thời gian nuôi dưỡng “cây chủ” trở thành cây may mắn thương phẩm khoảng hơn 2 tháng sau khi lấy hạt gieo ươm hoặc cắt hom cành từ cây đầu dòng giâm xuống đất.

Gieo hạt thanh long trên sản phẩm tạo hình thú ngộ nghĩnh

Gieo hạt thanh long trên sản phẩm tạo hình thú ngộ nghĩnh

Gieo hạt thanh long thành… cây 4 sao

Đến đoạn “bật mí” nguồn gốc xuất xứ cây may mắn nguyên bản, chủ nhân Phạm Quốc Việt dẫn tôi đến ngồi bên một nữ công nhân trẻ đang dùng một cây chổi đót tí hon nhúng vào tô nước lấm tấm hạt màu đen như hạt mè, cẩn thận quét nhẹ lên hình thù một con thú cưng vừa mới nhào nặn từ vật liệu xơ dừa. “Đây là hạt thanh long do cơ sở chúng tôi thu mua sỉ nguyên trái tại vườn nông dân trong huyện Di Linh. Những hình con thú tạo bằng giá thể tổng hợp xơ dừa sẽ được phủ xanh từng cụm cây con trong vòng 2 tuần tới để đưa ra thị trường… ”, ông Việt cởi mở.

Thì ra cái hạt thanh long nhỏ như cái hạt vừng này được ông Việt nảy sinh ra ý tưởng khởi nghiệp cây cảnh nội thất từ một chiều… làm vườn cà phê. Khi ấy ông Việt trông thấy những trái thanh long chín rục ở mép vườn cà phê rụng tự nhiên dưới đất rồi mọc lên từng cặp, từng cặp lá xanh tươi xếp chồng lên nhau thành những cụm cây khá đẹp mắt. Những ngày sau đó, ông lặng lẽ ra vườn chọn những trái thanh long vừa đủ độ chín, lột hết vỏ lấy phần ruột hạt gieo thử nghiệm trên các loại giá thể. Kết quả sau hơn 2 tuần gieo trồng, tỷ lệ hạt thanh long nẩy mầm đạt hơn 80%, ông Việt nhẹ nhàng bứng lên từng cụm cây nhỏ rồi trải đều trên mặt chậu cây cảnh tí hon. Chiêm ngưỡng ở mọi góc nhìn đều cho thấy một sản phẩm cây xanh, màu xanh tương đối hoàn chỉnh từ diện tích mặt chậu đến tán cây, ông Việt mạnh dạn nhân rộng đại trà, chào bán khách hàng trong và ngoài huyện Di Linh đều được đón nhận nhiệt tình, với giá thành mang về lợi nhuận vượt trội so với sản xuất các loại cây trồng hiện có ở địa phương. Cảm nhận mình như đón nhận lộc trời từ việc gieo cấy hạt giống trái thanh long, ông Việt đặt tên cây may mắn là tên chung một dòng sản phẩm cây cảnh tí hon trang trí nội thất của mình.

Sau các kỳ Festival Hoa Đà Lạt đầu tiên “trình làng” thành công với nhiều thỏa thuận đặt mua của khách hàng trong và ngoài nước, vợ chồng ông Việt - bà Thu quyết định huy động vốn vay nhiều tỷ đồng đầu tư nhà kính sản xuất quy mô khép kín cây may mắn trên tổng diện tích 8.000 m2 nêu trên. Nhờ kỹ thuật thường xuyên cải tiến kết hợp với nhiều sáng kiến mới từ sản xuất, sản phẩm cây may mắn Phạm Quốc Việt đa dạng hình thức, chất lượng lâu bền, khi đến tay khách hàng trong nước, ngoài nước sử dụng trang trí nội thất, hàng tuần chỉ cần tưới nước vẫn giữ được màu tươi xanh trên cành, lá qua nhiều năm…

Tổng hợp doanh thu trong một năm vừa qua, ông Việt - bà Thu thu về khoảng 120.000 cây may mắn, tương ứng với tổng giá trị khoảng 7 tỷ đồng. Trong đó chiếm 25% sản lượng cây xuất khẩu sang châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Tỷ lệ 75% tiêu thụ theo thỏa thuận trước ở thị trường trang trí nội thất các đô thị lớn trong nước nói chung, trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng.

Từ những tiêu chí chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh và thị trường xuất khẩu mở rộng, sản phẩm cây may mắn trang trí nội thất của Cơ sở Phạm Quốc Việt ở xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh đã được Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng đánh giá, chấm điểm đạt cấp hạng 4 sao năm 2020, tiềm năng có thể nâng cấp đạt cấp hạng 5 sao quốc gia trong giai đoạn tiếp theo…

Bài 3: “Phát lộ” 3 cấp sao tiềm ẩn

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202003/tim-sao-trong-ocop-lam-dong-bai-2-2996004/