Ủy ban Dân tộc đôn đốc các địa phương về việc đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG năm 2024

Ngày 5/7/2024, Ủy ban Dân tộc ban hành Công văn số 1164/UBDT-VPCTMTQG gửi Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đánh giá thực hiện kế hoạch năm 2024, xây dựng kế hoạch năm 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình).

Ảnh minh họa (Nguồn: dangcongsan.vn)

Ảnh minh họa (Nguồn: dangcongsan.vn)

Theo đó,Ủy ban Dân tộc yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ươngđánh giá về tình hình ban hành văn bản quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia theo thẩm quyền phân cấp; tình hình tổ chức, thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15, các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp cụ thể để xử lý các khó khăn (đề nghị kiến nghị rõ cơ quan có thẩm quyền xử lý); Kết quả thực hiện kết luận của Kiểm toán nhà nước liên quan đến tổ chức thực hiện, sử dụng nguồn lực trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (nếu có) tại các cơ quan, đơn vị tại địa phương.

Tình hình phân bổ, sử dụng, giải ngân vốn ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương, vốn đối ứng của địa phương theo quy định) chi tiết theo các dự án thành phần, vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, vốn trong nước, vốn nước ngoài (nếu có); Riêng các địa phương tự cân đối ngân sách, đánh giá tình hình phân bổ, sử dụng, giải ngân vốn ngân sách địa phương chi tiết theo các dự án thành phần, vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, vốn trong nước, vốn nước ngoài (nếu có); Tình hình phân bổ, quản lý, sử dụng và giải ngân vốn đầu tư, vốn sự nghiệp (nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương ) năm 2024 (gồm cả số kinh phí từ các năm trước chuyển nguồn sang thực hiện năm 2024) cho các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình.

Đánh giá khối lượng hoàn thành và tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương được giao thực hiện Chương trình năm 2024 (tính đến hết tháng 30/6/2024, ước thực hiện đến ngày 31/12/2024) của địa phương.

Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình so với kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao. Nêu rõ những tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân.

Về xây dựng kế hoạch năm 2025, UBND các tỉnh, thành phố cần nêu rõ dự kiến mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể theo từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của địa phương và dự kiến kết quả đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Đề xuất kinh phí thực hiện Chương trình phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định liên quan; phù hợp khả năng bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, không vượt quá kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được cấp có thẩm quyền giao (theo Quyết định phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, thông báo mức vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2024-2025 của Chương trình), khả năng bố trí vốn từ ngân sách địa phương và huy động nguồn lực khác. Trong đó, kinh phí thực hiện phải đảm bảo phù hợp với các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình phù hợp với tiến độ, khả năng thực hiện, giải ngân trong năm 2025 của từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương.

Đề xuất nhu cầu vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương (bao gồm vốn đầu tư, vốn sự nghiệp) chi tiết theo từng dự án, tiểu dự án nội dung thành phần, thuyết minh cơ sở đề xuất.

Dự kiến cân đối vốn ngân sách địa phương (trong đó làm rõ số vốn đối ứng theo quy định) chi tiết theo vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, dự án thành phần từng Chương trình; kế hoạch huy động, sử dụng các nguồn vốn khác (bao gồm vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, vốn tín dụng, vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác).

Cùng với đó, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tập trung đề xuất về nội dung nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện, đặc biệt là những nội dung, giải pháp hỗ trợ để tiếp tục nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững của Chương trình; Đề xuất giải pháp về quản lý, theo dõi, giám sát, cơ chế phân bổ vốn ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực, cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính, cơ chế hỗ trợ và cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án khác trên cùng địa bàn để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, cơ chế đặc thù riêng (nếu có).

Trong quá trình tổ chức thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh kịp thời về Ủy ban Dân tộc để phối hợp xử lý theo quy định.

Hồng Nhung

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/uy-ban-dan-toc-don-doc-cac-dia-phuong-ve-viec-danh-gia-ket-qua-thuc-hien-chuong-trinh-mtqg-nam-2024-58372.html