Tìm thấy chương thất lạc của bộ tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới
Một trước tác văn học kinh điển Nhật Bản, chắp bút bởi nữ sĩ Murasaki Shikibu vào đầu thế kỷ 11; bản sao chương 5 của tác phẩm bị thất lạc mới đây được tìm thấy.
Truyện kể Genji được xem là bộ tiểu thuyết đầu tiên của nhân loại, gồm 54 chương, được hoàn thành vào khoảng năm 1010. Nội dung tác phẩm kể về cuộc đời hào hoa gắn với ái tình và cả chính trị của Hikaru Genji, con trai hoàng đế.
Tác giả của nó là một người phụ nữ sống ở thế kỷ 11, dưới triều đại Heian (Bình An) (794-1185). Murasaki Shikibu là bút hiệu mà các học giả sau này đặt cho bà, còn tên thật và nơi sinh của bà thì không ai biết rõ.
Bản thảo gốc của tác phẩm hiện không còn lưu lại đến ngày nay, nhưng nội dung của nó vẫn được bảo tồn trong những bản sao viết tay. Phiên bản lâu đời nhất hiện tồn được cho là của nhà thơ Fujiwara Teika, đã qua đời năm 1241.
Teika được biết đến với những nỗ lực tái tạo bản gốc của Truyện kể Genji thông qua đối chiếu các phiên bản sao chép tay hiện hành của cuốn sách vào thời điểm đó (thời Kamakura, 1185 - 1333). Bà đã sưu tầm một số chương của Truyện kể Genji qua công trình Aobyoshibon (Cuốn sách bìa màu thiên thanh).
Bản thảo gốc của công trình này đã bị phân mảnh. Vào thập niên 1930, bốn chương đầu của nó được tìm thấy và được xác thực là của Fujiwara Teika. Chính phủ Nhật Bản chỉ định đây là tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia.
Nay, bản gốc chương 5 của Aobyoshibon, cũng là bản sao chép chương năm cổ xưa nhất tính đến hiện nay của Truyện kể Kenji, với nhan đề Wakamurasaki (Sắc tím tuổi trẻ), đã xuất hiện và được xác thực bởi các chuyên gia thuộc tổ chức bảo tồn di sản văn hóa Reizeike Shiguretei Bunko (trụ sở tại Kyoto).
Nội dung chương 5 miêu tả cuộc gặp gỡ giữa Genji - người anh hùng 18 tuổi - với Murasaki - cô gái sẽ trở thành vợ chàng sau này. Theo Thời báo Nhật Bản, bản thảo viết tay được lưu giữ trong một chiếc hộp hình chữ nhật, nằm trong số đồ vật thừa tự, tại nhà kho của gia đình Motofuyu Okochi (72 tuổi) ở Tokyo, hậu duệ của cựu lãnh chúa phong kiến từng cai quản lãnh địa Mikawa-Yoshida, tỉnh Aichi.
Dựa trên khảo sát nét chữ viết tay, trang bìa và màu mực xanh, các chuyên gia ở tổ chức bảo tồn di sản văn hóa Reizeike Shiguretei Bunko xác thực bản thảo này giống hệt với các bản thảo khác từng được tìm thấy của Teika. Tổ chức này nhận định: Mặc dù bản thảo mới được tìm thấy “gần như” khớp với phiên bản hiện đang phổ biến của tác phẩm, nhưng vẫn có một vài khác biệt về văn phạm (ngữ pháp).
Theo báo Asahi Shimbun, những ghi chép của gia đình đã cho biết lịch sử của bản thảo này được gia đình Kuroda thuộc lãnh địa phong kiến Fukuoka truyền lại cho gia đình Okochi, và vẫn nằm trong tay gia đình này từ năm 1743.
Giáo sư của đại học Kyoto - Junko Yamamoto - cho biết những nghiên cứu trước đây về chương năm Wakamurasaki này dựa trên bản thảo của Truyện kể Genji đã được hoàn thành khoảng 250 năm sau công trình của Teika. “Việc khám phá ra bản thảo được nhuận sắc bởi Teika sẽ là một cơ sở có ý nghĩa cho các nhà nghiên cứu", bà nhận định.