Tìm thấy hạt vi nhựa trong mây
Một nhóm nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy hạt vi nhựa trong mây mà họ thu thập.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Chemistry Letters, các nhà khoa học đã leo lên núi Phú Sĩ và núi Oyama để thu thập nước từ sương mù bao phủ trên các đỉnh núi này.
Nhóm nghiên cứu đã xác định được 9 loại hạt vi nhựa khác nhau và một loại cao su trong các hạt vi nhựa trong không khí - có kích thước từ 7,1 - 94,6 micromet.
Mỗi lít nước từ mây chứa từ 6,7 đến 13,9 mảnh nhựa. Hơn nữa, số lượng polymer ưa nước (hydrophilic) rất nhiều, cho thấy các hạt này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mây một cách nhanh chóng.
Giáo sư Hiroshi Okochi (Đại học Waseda) - người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cảnh báo: “Nếu tình trạng ô nhiễm nhựa trong không khí không được chủ động giải quyết, biến đổi khí hậu và rủi ro sinh thái có thể trở thành hiện thực, gây ra nhiều thiệt hại môi trường nghiêm trọng không thể khắc phục được trong tương lai”.
Theo ông, hạt vi nhựa khi lên đến thượng tầng khí quyển sẽ tiếp xúc với bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời và phân hủy tạo ra khí nhà kính.
Vi nhựa - được định nghĩa là các hạt nhựa có kích thước dưới 5mm - có từ nước thải công nghiệp, dệt may, lốp ô tô tổng hợp, sản phẩm chăm sóc cá nhân và nhiều thứ khác.
Bằng chứng mới về hạt vi nhựa trong đám mây cho thấy vi hạt nhựa không chỉ tác động đến sức khỏe con người, gây các vấn đề về tim và phổi, ung thư mà còn tác động đến môi trường.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tim-thay-hat-vi-nhua-trong-may-post489939.html