Tìm thấy xương ngư long hóa thạch cực hiếm ở vùng Viễn Đông của Nga
Bộ xương hóa thạch khá hoàn chỉnh của loài ngư long đã được các nhà khoa học tìm thấy trên đảo Russky, vùng Viễn Đông, Nga.
Các nhà khoa học đã tìm thấy di chỉ hóa thạch được cho là xương của loài ngư long (ichthyosaur hay thằn lằn cá) trên đảo Russky, Vladivostok, một bộ bò sát biển đã tuyệt chủng, có hình dạng giống cá và cá heo, ông Yuri Bolotsky, người đứng đầu phòng thí nghiệm cổ sinh vật học tại Viện Địa chất và Quản lý tài nguyên thuộc Chi nhánh Viễn Đông -Viện HLKH Nga nói với Sputnik.
Trong khi thám hiểm đảo Russky trong khuôn khổ dự án giáo dục “Khoa học trong những chuyến lữ hành. PriMorye”, dấu vết hóa thạch của bộ xương sườn trong một phiến đá bị lở sau cơn bão Maysak đã được tìm thấy.
Sau khi gửi giám định, các nhà khoa học xác nhận, đó là xương của loài ngư long (ichthyosaur).
"Đây có thể là xương sườn của loài ngư long ichthyosaur từng sinh sống nhiều ở các vùng biển. Đây là mẫu vật thứ hai về ichthyosaur trên đảo Russky. Từ Magadan đến vùng phía nam Primorye đều tìm thấy hóa thạch các bộ phận của loài động vật cổ đại này, nhưng hầu như là những mảnh xương rời rạc. Đây là mẫu hóa thạch hoàn chỉnh nhất. Một phần của mẫu vật vẫn còn nằm trong đá, có thể là hộp sọ, đã được chuyển về Viện Hải dương học Primorye.”, ông Bolotsky nói.
Nhà khoa học cho biết, hóa thạch ngư long đầu tiên được tìm thấy vào năm 2014 cho thấy nó không phải là động vật săn mồi tích cực, nó nghiền nát động vật thân mềm hai mảnh vỏ nhờ hàm răng có cấu tạo đặc biệt, không phải là dùng để cắn thủng mà là nghiền nát con mồi. Tuy nhiên mẫu hóa thạch chưa tìm thấy phần đầu, do vậy, các nhà khoa học chưa hình dung hàm răng con vật.
Ngư long phát triển mạnh vào Đại Trung sinh, dựa trên nhiều bằng chứng hóa thạch, chúng xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng 245 triệu năm trước, trong đó có ít nhất một loài sống sót cho đến khoảng 90 triệu năm trước, vào đầu kỷ Phấn trắng.
Vào thời kỳ Trung kỳ kỷ Tam điệp, ngư long tiến hóa từ một nhóm bò sát đất chưa được xác định chuyển sang sống dưới nước cùng thời điểm với các tổ tiên của cá heo và cá voi hiện đại.
Chúng đặc biệt trở nên phong phú trong kỷ Jura, cho đến khi chúng dần bị thay thế bởi những kẻ săn mồi dưới nước hàng đầu thuộc một bộ bò sát khác là Plesiosauros trong thời kỳ kỷ Phấn trắng. Thằn lằn cá tuyệt chủng vào cuối kỷ Phấn trắng chưa rõ nguyên nhân.
Các loài Thằn lằn cá có kích cỡ từ một đến hơn 16m.