Tìm thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
GS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số ca mắc tay chân miệng (TCM) đang tăng, trung bình cả nước ghi nhận 350 ca/tuần phải nhập viện. Trong đó 10% số bệnh nhi cần phải sử dụng thuốc đặc trị Immunoglobulin.
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận khoảng gần 15 nghìn ca mắc TCM, 6 trường hợp tử vong. Các tỉnh, thành phía Nam đang có sự gia tăng nhanh số ca mắc bệnh TCM, số ca nặng và số ca tử vong. Riêng tại TPHCM đã ghi nhận số ca mắc TCM tăng gần 150% trong một tháng qua, trong đó có nhiều ca trong tình trạng nặng.
Bệnh TCM lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Trong đó, chủng EV71 gây bệnh cảnh nặng và dễ biến chứng hơn. Nếu trẻ biến chứng không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể tử vong.
Theo GS Phan Trọng Lân, nếu đầu tháng 4, số ca mắc chiếm khoảng 6% trong các mẫu xét nghiệm, đến đầu tháng 6, tỷ lệ dương tính với chủng EV71 đã tăng lên 40%. Chính đặc điểm này khiến cho các ca mắc bệnh TCM diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.
Báo cáo mới nhất của Sở Y tế TPHCM cho biết, nguồn thuốc Immunoglobulin, Phenobarbital tiêm cho các ca bệnh TCM phân độ nặng có thể gặp khó khăn trong thời gian tới nếu dịch bệnh kéo dài. Trong đó, thuốc tiêm Phenobarbital 100mg/ml là một trong các thuốc chống co giật, bên cạnh các thuốc khác hiện có trên thị trường như Diazepam, Midazolam, phenobarbital (uống). Phenobarbital 100mg/ml là thuốc phải kiểm soát đặc biệt, có ít nhà cung ứng trên toàn quốc. Hiện tại, Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương CPC1 cung ứng cho các đơn vị trên địa bàn thành phố theo đơn hàng nhập khẩu. Thuốc Immunoglobulin hiện có trên thị trường. Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế. Đây là tình hình khó khăn chung trên toàn quốc và trên thế giới. Immunoglobulin là thuốc chế phẩm sinh học có ít nhà cung ứng. Hiện Việt Nam chưa sản xuất được, chủ yếu sử dụng nguồn thuốc nhập khẩu.
Bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, nguy cơ thiếu thuốc điều trị bệnh TCM đã được Sở Y tế thành phố báo cáo lên Bộ Y tế.
Tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh TCM cũng là nỗi lo chung ở nhiều địa phương đang có dịch tăng cao. BS Phước Thịnh (Khoa Nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Cần Thơ) cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn thuốc điều trị bệnh TCM Immunoglobulin thanh toán theo Bảo hiểm y tế đã cạn kiệt, do hết thầu và vẫn đang phải chờ làm thủ tục đấu thầu. BV đã phải tìm nguồn thuốc của bên thứ 3 để điều trị cho bệnh nhân.
Trước nguy cơ thiếu thuốc điều trị bệnh TCM, GS Lân chia sẻ: Hiện nay các thuốc điều trị bệnh TCM thông thường cơ bản đáp ứng đủ công tác điều trị. Đối với thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch, theo thông tin của Cục Quản lý Dược, mới đây ngày 23/6/2023 đã nhập khẩu 6.000 chai thuốc Immunoglobulin về Việt Nam để cung ứng cho các BV. Số lượng thuốc trên đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách của các BV. Với số lượng thuốc Immunoglobulin như vậy và với tình hình dịch như hiện nay, có thể phục vụ công tác điều trị khoảng trên 2 tháng cho những trường hợp cần sử dung thuốc này tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, khi chúng ta cùng nỗ lực trên cả công tác dự phòng, điều trị và truyền thông về các biện pháp phòng chống bệnh TCM cũng như các hoạt động khác, mong rằng có thể sớm giảm số ca mắc nói chung, ca diễn biến nặng nói riêng.
Tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại TPHCM mới đây nhất, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị BV Nhi đồng 1 phối hợp xây dựng hướng dẫn, tổ chức nghiên cứu để có thể có thuốc mới, thuốc thay thế sẵn có, các biện pháp điều trị mới…
Theo bà Hương, ngay từ tháng 12/2022, Bộ đã có công văn đề nghị các Sở Y tế tỉnh, thành dự trù số lượng thuốc để tránh bị động, dù việc dự kiến là rất khó. Trong trường hợp thuốc hiếm, chưa có số lưu hành, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị tìm kiếm nhà cung ứng, làm hồ sơ cấp phép.
Hiện Bộ Y tế đang khẩn trương tập trung chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược nỗ lực tìm kiếm nguồn cung và khẩn trương nhập khẩu thuốc Immunoglobulin về Việt Nam sớm nhất để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị của các BV khi số lượng các ca bệnh TCM đang gia tăng. Trước đó, ngày 23/6/2023, Cục Quản lý Dược đã nhập khẩu 6.000 chai thuốc Immunoglobulin về Việt Nam để cung ứng cho các BV.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tim-thuoc-dieu-tri-benh-tay-chan-mieng-5722192.html