Tìm 'vàng đen' trong đất

Từ sáng sớm, tại Phân xưởng Vận tải thuộc Công ty Than Khánh Hòa VVMI (Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CPCP), từng tốp công nhân đã có mặt chuẩn bị cho một ca sản xuất mới. Một ngày làm việc của các công nhân tại Mỏ than Khánh Hòa khép kín 24/24 giờ và được chia làm 3 ca, mỗi ca 8 tiếng. Khi từng tốp công nhân từ dưới moong sâu vội vã tan ca, cũng là lúc những đồng nghiệp của họ đi xuống tiếp tục phần việc của ca mới. Cứ như thế, hàng ngày ở độ sâu hàng trăm mét dưới lòng đất, những người thợ mỏ cần mẫn đào bới, săn 'vàng đen' làm giàu cho Tổ quốc.

Công ty Than Khánh Hòa VVMI đặt mục tiêu tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập cho người lao động với phương châm “An toàn – Hiệu quả – Phát triển”.

Công ty Than Khánh Hòa VVMI đặt mục tiêu tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập cho người lao động với phương châm “An toàn – Hiệu quả – Phát triển”.

Tự hào người thợ mỏ

Cũng giống như bao mỏ lộ thiên khác, Mỏ than Khánh Hòa có chung đặc điểm là “trên sườn núi, dưới moong sâu”. Khi khai thác xuống sâu sẽ gặp một số yếu tố bất lợi như số tầng công tác nhiều, điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình phức tạp; chiều cao nâng tải lớn, cung độ vận tải xa, mức độ tiêu hao nhiên liệu lớn, nguy cơ mất an toàn, mất vệ sinh lao động, cháy nổ. Nguy hiểm, độc hại, tiếng ồn, điều kiện làm việc khó khăn… là những vấn đề mà người thợ mỏ phải thường xuyên đối diện.

Như nhiều gia đình khác sinh sống gần mỏ than Khánh Hòa, anh Phạm Văn Cường sinh ra trong gia đình có 2 thế hệ đã gắn bó, trưởng thành từ ngành Than, từ Công ty Than Khánh Hòa. Từ nhỏ, anh đã được nghe những câu chuyện của cha, chú về khai trường, máy móc, về đời sống người thợ mỏ, gắn bó, thân quen như hơi thở.

Theo lẽ tự nhiên, đến tuổi đi làm, anh Cường cũng chọn nghề mỏ. Anh bộc bạch: 31 năm trôi qua, tôi đã chứng kiến biết bao sự đổi thay, thăng trầm của Mỏ than. Những ngày đầu mới vào làm chúng tôi chỉ vận chuyển than, đất đá thải bằng những chiếc xe thô sơ, việc vận hành vất vả hơn rất nhiều. Những năm gần đây, Công ty đã đầu tư nhiều xe, máy Komatsu, Cat mới, hiện đại; được chăm lo chu đáo về đời sống, việc làm, sinh hoạt, thu nhập ngày một tăng cao nên anh em công nhân lao động càng vững tin, gắn bó đồng hành với Công ty.

Công ty Than Khánh Hòa liên tục đầu tư đổi mới, đồng bộ hóa các thiết bị hiện đại có công suất lớn phù hợp.

Công ty Than Khánh Hòa liên tục đầu tư đổi mới, đồng bộ hóa các thiết bị hiện đại có công suất lớn phù hợp.

Hồi tưởng lại những ngày tháng đầy gian khó mà rất đỗi tự hào của người thợ mỏ Khánh Hòa, ông Phan Huy Trác, nguyên Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa, kể lại: Mỏ than Khánh Hòa được thành lập năm 1949 với tên gọi Xí nghiệp Than Lam Sơn thuộc Nha Khai Khoáng và Công nghiệp. Đây là mỏ than ra đời đầu tiên trong chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với đầy đủ tư cách pháp nhân và mô hình của một đơn vị công nghiệp Nhà nước. Năm 1967, trong khí thế sục sôi chống Mỹ của quân và dân cả nước, 2 tỉnh Bắc Thái - Khánh Hòa kết nghĩa, Mỏ được vinh dự đổi tên là Mỏ than Khánh Hòa - một biểu tượng của thời kỳ “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. 75 năm đã trôi qua kể từ buổi đầu “cuộc trường chinh tìm vàng đen” ở mỏ than có trữ lượng than lớn nhất tỉnh này. Và nay, dù khó khăn vẫn chồng chất nhưng khát vọng chinh phục những tầng than sâu lúc nào cũng hiện hữu, cháy bỏng, khích lệ lớp lớp thế hệ thợ mỏ chúng tôi vượt qua mọi gian khổ để “sản xuất được thật nhiều than cho Tổ quốc” như lời dặn của Bác Hồ.

Khát vọng chinh phục những tầng than sâu

Trong chuyến tác nghiệp lần này, một trong những điều khiến chúng tôi cảm thấy choáng ngợp chính là nhiều công nghệ tiên tiến trong nước và trên thế giới đã được Công ty Than Khánh Hòa triển khai áp dụng vào khai thác, sản xuất, khác xa với tưởng tượng ban đầu về hình ảnh người thợ mỏ tay búa, tay choòng đào từng vỉa than. Giờ đây, những công nghệ thô sơ đã dần được thay thế bằng máy móc hiện đại. Nhiều công đoạn thủ công dần thay thế bằng công nghệ “bấm nút” như: Điều khiển tập trung hệ thống bơm nước moong tự động, Trạm nén khí, bơm bùn, sinh khí ni tơ, vận hành sàng máy, phun sương dập bụi cho sàng, trạm rửa xe, hệ thống camera quan sát điểm mù cho các phương tiện, hệ thống chấm chuyến tự động… Điều này góp phần giúp người thợ mỏ làm việc khoa học, năng suất và đảm bảo an toàn.

Dẫn chúng tôi đi tham quan hệ thống vận hành khai thác, ông Bùi Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa, cho biết: hiện tại hầu hết quá trình quản lý, tổ chức sản xuất moong lộ thiên đều được vận hành thông suốt, nhanh chóng thông qua hệ thống điều khiển. Camera được kết nối trực tiếp từ các khu vực khai thác dưới lòng moong lên, như vậy đơn vị giám sát ở trên mặt đất có thể theo sát tình hình sản xuất và những biến động dù là nhỏ nhất ở các điểm trên moong than, từ đó có những chỉ đạo nhanh và khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố. Thời gian tới, Công ty tiếp tục áp dụng công nghệ mới và đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa trong quản lý, tổ chức sản xuất, để giảm lao động sống, tăng năng suất lao động.

Đoàn xe nối đuôi nhau ra khai trường trong ca sản xuất mới.

Đoàn xe nối đuôi nhau ra khai trường trong ca sản xuất mới.

Từ một đơn vị khó khăn, đến nay công ty than Khánh Hòa đã là một trong những đơn vị tiêu biểu trong khối sản xuất than, với khối lượng đất đá bóc hàng năm khoảng 4,5 - 5 triệu m3/năm, than nguyên khai khai thác 400 - 500 nghìn tấn/năm, đạt 33% sản lượng của Tổng Công ty; trong giai đoạn từ 2019 - 2024 sản xuất than sạch đạt 3,5 triệu tấn và tiêu thụ than sạch đạt gần 3,5 triệu tấn; doanh thu đạt 4.779 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1.293 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 13 triệu đồng/người/tháng.

Nỗ lực, đổi mới là vậy, nhưng nhiều năm qua, Công ty cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. “Nút thắt” mấu chốt nhất với Công ty thời điểm này vẫn là những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu diện tích khai thác, nhất là diện đổ thải, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của đơn vị. Trong khi đó, năm 2021, “Dự án khai thác hầm lò rìa moong - Than Khánh Hòa” buộc phải tạm ngừng sản xuất ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm và thu nhập của người lao động.

Nhà thơ Trần Ninh Hồ từng nói: “Có những cuộc viễn du tính bằng vạn dặm núi rừng, vạn dặm trời mây, vạn lý sông nước. Người thợ lò chỉ dám tính cuộc viễn du của mình bằng tấc, thước. Vào thẳm sâu lòng đất dễ dàng chi”.

Quả đúng là thế, có lăn lộn cùng với những người thợ mỏ mới biết, để khai thác được những mảnh “vàng đen” từ đất chẳng phải dễ gì. Chia tay đất mỏ, siết chặt những đôi bàn tay chai sần, chắc khỏe, với những vết sẹo đen hằn của những người thợ mỏ, hành trang tôi mang về là những đôi mắt và nụ cười lấp lánh, mang theo cả khao khát về một ngày gần nhất được... vào lò.

Hoài Anh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202409/tim-vang-den-trong-dat-739207b/