Tìm về chốn linh thiêng...
VHĐS - Văn hóa vừa là sản phẩm sáng tạo của con người; vừa là môi trường nuôi dưỡng đời sống vật chất và tinh thần của chủ thể sáng tạo. Trong môi trường văn hóa ấy, các di sản vật thể và phi vật thể đang góp phần dưỡng nuôi nên những giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc.
Lễ hội Bà Triệu (ảnh tư liệu).
Đền Bà Triệu chỉ cách Quốc lộ 1A chừng vài chục mét, nhưng bước chân qua Nghi môn ngoại (cổng ngoại), cảm giác như đã lạc vào một không gian khác. Sự trầm lắng, trang nghiêm của chốn thiêng khiến thời gian trôi chậm hơn một nhịp và con người như cũng trút bỏ bớt nỗi lo toan cuộc sống.
Không còn phải chen vai thích cánh trên sân đền hay dưới ban thờ như vài năm trước, bà Lài vừa thong thả sắp đồ lễ vừa cảm thán: “Kể ra thì không có lễ hội cũng bớt vui, nhưng bù lại vừa dâng hương vừa thảnh thơi vãn cảnh cũng có cái thú riêng. Những năm trước, cứ gần ngày húy kị Vua Bà, bản hội tôi lại sắm sanh các loại lễ vật, xống áo tươm tất để lên đền. Năm nay cả bản hội chỉ có vài chị em, lễ lạt cũng đơn giản hơn nhiều. Dẫu vậy, với mỗi người, được dâng một nén hương tỏ lòng thành kính đã mãn nguyện rồi”. Cũng có cảm nhận như bà Lài, anh Hoàng Hữu Trung (TP Hà Nội) cho chúng tôi hay: Là người con đất Hậu Lộc đã sống xa quê khá lâu, nhưng cứ đến lễ hội Bà Triệu anh lại cố gắng sắp xếp công việc để về trẩy hội. Những năm trước không khí náo nhiệt, trái hẳn với sự trầm lắng hiện tại. Song, với anh Trung, bầu không khí ấy lại gần gũi đến lạ. Bởi lẽ, nó gợi lại cho anh cả một miền ký ức tuổi thơ những ngày lẽo đẽo theo mẹ lên đền. Để rồi, trong không gian linh thiêng ngày ấy, cậu bé của thời trẻ dại từng tưởng tượng ra vô số hình ảnh về vị thần quyền uy, mang theo sức mạnh lớn lao có khả năng bảo vệ, che chở cho con người. Để khi lớn lên, những hình ảnh của trí tưởng tượng được “khớp nối” hình ảnh Bà Triệu - vị thần được thờ phụng trong đền, càng nhân lên trong anh niềm thành kính, ngưỡng vọng.
Đền Bà Triệu gắn với lễ hội tôn vinh bậc nữ trung hào kiệt Triệu Thị Trinh - nhân vật có ảnh hưởng đến lịch sử dân tộc. Theo lệ hằng năm, chính hội nhằm ngày mất của bà (22-2 âm lịch). Bởi công lao to lớn của nhân vật được thờ phụng nên lễ hội Bà Triệu từ lâu đã vượt ra ngoài giới hạn của một làng (làng Bồ Điền xưa, nay là làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) để trở thành lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất của cả xứ Thanh. Đặc biệt, vào những năm chẵn, lễ hội được tổ chức hết sức long trọng, với nghi thức rước bóng và đại tế. Lễ rước bóng (hay rước kiệu) là nghi thức thể hiện rõ nhất tính thiêng và quan niệm dân gian về sức mạnh của vị thần được Nhân dân suy tôn, thờ phụng.
Ai từng may mắn được xem một lần rước bóng sẽ không khỏi ngỡ ngàng và thích thú. Bởi, có người đã ví “đám rước như một con rồng lớn, lừng lững tiến trên đường làng”. Đoàn rước bóng gồm lực lượng hùng hậu của đội cờ đi trước (cờ tiết, cờ mạo, cờ ngũ hành, cờ tứ linh); theo sau là biển gỗ sơn son thếp vàng, ban chinh cổ (trống, chiêng), đội chấp kích và đồ bát tửu; tiếp đó là kiệu hương án và phường Đồng Văn, kiệu bát cống rước Vua Bà, kiệu song loan, kiệu long đình, kiệu võng... Trên hành trình đám rước, sẽ có lúc “kiệu bay” khi qua ngã ba, ngã tư hay trước khi đến sân đền, sân đình. “Kiệu bay” hay kiệu quay tròn, khi tiến khi lui, sang trái sang phải theo các hướng khác nhau khó đoán định. Điều này được lý giải rằng, đó là sự thăng hoa của con người trong không gian thiêng và nhờ vào một sức mạnh vô hình trợ giúp họ “bay lên” cùng cỗ kiệu rước thánh thần!
Văn hóa vừa là sản phẩm sáng tạo của con người; vừa là môi trường nuôi dưỡng đời sống vật chất và tinh thần của chủ thể sáng tạo. Trong môi trường văn hóa ấy, các di sản vật thể và phi vật thể đang góp phần dưỡng nuôi nên những giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc. Đó là tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức độc lập, tự chủ, tự cường... Để rồi đến lượt nó, những giá trị này tiếp tục được giữ gìn, vun đắp và trao truyền qua nhiều thế hệ, để trở thành cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Cũng vì lẽ đó mà tìm về cội nguồn hay những giá trị truyền thống tốt đẹp có thể giúp con người định hình diện mạo và phẩm giá. Đó là nhu cầu tất yếu, cũng là nhu cầu cao hơn về “chất” trong đời sống văn hóa - tín ngưỡng, tâm linh của con người hiện nay. Đền Bà Triệu gắn với di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc lễ hội Bà Triệu, đã trở thành chốn thiêng cho muôn người ngưỡng vọng, tìm về.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/tim-ve-chon-linh-thieng/19334.htm