Tìm về chốn thanh yên tại chùa Bái Đính
Vào cuối tuần, tôi thường rời Hà Nội, dành thời gian để khám phá một nơi nào đó. Trong nhiều điểm đến đã đi qua, chùa Bái Đính (Ninh Bình) để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên.
Chùa Bái Đính cách thành phố Ninh Bình 15km và cách Hà Nội khoảng hơn 90km. Bái Đính vốn là một quần thể di tích, trong đó có chùa Bái Đính cổ và chùa Bái Đính mới, có tổng diện tích 1.700 ha.
Tôi xuất phát tại Hà Nội, di chuyển bằng xe khách để tới thăm chùa. Cung đường đi khá thuận tiện vì đi đường nhựa thẳng, không quanh co nhiều. Bạn sẽ mất khoảng hai giờ đồng hồ để đến chùa.
Khuôn viên chùa rất rộng nên du khách phải mua vé xe điện tham quan. Giá vé xe điện là 60.000 đồng cho người lớn và 40.000 đồng cho trẻ em. Từ chỗ mua vé đến chỗ tham quan di chuyển trong khoảng 15-20 phút.
Chùa Bái Đính có nhiều hạng mục, kiến trúc như điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông, tượng phật Di Lặc và các công trình phụ trợ, khu học viện Phật giáo, khu đón tiếp…
Bản thân tôi thích việc du ngoạn trong chùa bằng việc đi bộ từ khu vực này sang khu vực khác. Lối đi cũng như hành lang tạo điểm nhấn và ấn tượng sâu sắc trong tôi với hàng tượng các vị La Hán.
Có tới 500 vị La Hán khác nhau, mỗi vị một hình thế, một biểu cảm làm cho cuộc hành trình đi trong ngôi chùa có hành lang dài nhất châu Á trở nên thú vị hơn.
Do giới hạn thời gian nên tôi không thể tham quan tất cả những khu vực, mà chỉ đến những nơi chính yếu của chùa. Một điều bạn hoàn toàn yên tâm là xung quanh chùa sẽ có các biển chỉ dẫn cụ thể “đường đi nước bước” các địa điểm để bạn chọn lựa tham quan. Bên cạnh đó, còn có hướng dẫn viên ở từng khu vực chỉ dẫn nhiệt tình cho bạn.
Sự rộng lớn, bề thế của chùa Bái Đính có thể làm nhiều người choáng ngợp khi lần đầu đặt chân tới đây. Những khu vực chiêm bái như điện Tam Thế, điện Quan Âm hay Tháp Chuông thực sự ấn tượng bởi nơi đây có những pho tượng với kích thước đồ sộ.
Bên trong nơi thờ tự vô cùng rộng rãi. Bước chân vào trong đó tôi như lạc vào một thế giới huyền bí với xung quanh là phật, là các vị La Hán. Một cảm xúc tâm linh thanh tịnh nào đó thật khó biểu đạt thành lời…
Chùa Bái Đính còn có những góc dành riêng cho du khách nghỉ ngơi, thư giãn sau thời gian tham quan. Tôi rất thích khu vực Vườn cây ước nguyện, nơi có nhiều cây xanh, tượng Phật bà Quan Âm và cac vị La Hán được xếp thẳng hàng, ngay ngắn; nơi có ít người lại qua.
Bạn có thể chọn cho mình một góc và ngồi xuống tĩnh tâm trong không gian xanh mát của cây cối hoa lá. Bên cạnh đó, dọc hành lang đi thăm các khu vực bạn có thể thấy lối dài các cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng theo phong cách Nhật Bản mang đến cảm xúc thiền rõ nét.
Kết thúc hành trình tham quan chùa Bái Đính, bạn di chuyển tới chỗ khu vực tập kết xe điện để về nơi xuất phát. Hành trình viếng thăm chùa Bái Đính để lại nhiều cảm xúc trong tôi, đi để thấy mình thật nhỏ bé và tìm sự bình an nơi tâm hồn.
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/tim-ve-chon-thanh-yen-tai-chua-bai-dinh/