Tìm về miền trong trẻo qua tác phẩm của nhà văn Trần Hoài Dương
Những trang viết của nhà văn Trần Hoài Dương không chỉ dành riêng cho trẻ em mà còn cho tất cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ đã mất của mình.
Ngày 6/5, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm “Trần Hoài Dương (1943-2021) - Con người và tác phẩm” để tưởng nhớ nhà văn có nhiều tác phẩm giá trị dành cho thiếu nhi nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông (6/5/2011-6/5/2021).
Tại buổi tọa đàm, các nhà văn, nhà thơ và gia đình nhà văn Trần Hoài Dương đã lần lượt bày tỏ niềm trân quý, những kỷ niệm đẹp đối với một người mà cả cuộc đời, văn chương đều dành tình cảm đặc biệt cho thiếu nhi.
Tìm về miền xanh thẳm
Nhắc đến nhà văn Trần Hoài Dương, nhà văn Trầm Hương nhắc tới những tác phẩm như “Cuộc phiêu lưu của những con chữ,” “Nàng công chúa biển,” “Bên ngoài mái trường,” đặc biệt truyện dài “Miền xanh thẳm” là cuốn sách gây ấn tượng mạnh mẽ cho bạn đọc nhiều thế hệ về một không gian thơ ấu trong trẻo và ngọt lành. Tên mỗi truyện của cố nhà văn Trần Hoài Dương đều viết khá ngắn gọn, dễ hiểu để các em thiếu nhi dễ tiếp cận như: “Em bé và bông hồng,” “Cô tiên,” “Bà cháu,” “Chiếc lá,” “Áng mây,” “Đàn chim sẻ.”
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng nhà văn Trần Hoài Dương rất giỏi khi tạo dựng nhân vật, đặc biệt là các nhân vật thiếu nhi giàu tình nhân ái và trong trẻo. Văn phong của ông khi xót xa, khi thương yêu, ít dữ dội, nhưng cứ thấm thía, nhẹ nhõm và mang một nỗi buồn rất lạ lùng.
Nói về tác phẩm nổi tiếng “Miền xanh thẳm,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay câu chuyện là những năm tháng ấu thơ mà nhà văn Trần Hoài Dương đã sống, cậu bé Thiện là nơi chứa đựng toàn bộ ký ức của tác giả.
“Tất cả những gì ông viết không có một chút gì được cường điệu hóa. Tất cả hiện lên nguyên khối đời sống tươi ròng của những năm tháng ông đã sống. Văn chương của ông chân thực, da diết mà bình thản giống một người ngồi xuống và kể lại những gì đã và đang chảy trong huyết quản của ông. Sự chân thực ấy được dâng lên từ một tâm hồn thánh thiện và đầy rung vang,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Đọc tác phẩm này, Chủ tịch Hội Nhà văn cũng đã tìm thấy cậu bé mang tên Thiều ở đó với toàn bộ những năm tháng cậu bé ấy sống.
Sinh thời, nhà văn Trần Hoài Dương chia sẻ: “Tôi gắng chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang, bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết cho các em. Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo. Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ.”
Ông cũng hy vọng những trang viết của mình không chỉ dành riêng cho trẻ em đọc mà còn cho tất cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ đã mất của mình, những ai muốn có những giây phút sống yên bình trong thế giới trắng trong của cái Đẹp và cái Thiện.
Dư âm của những trang viết
Nhà văn Trương Huỳnh Như Trân (1982) chính là người tìm thấy tuổi thơ và sự yên bình trong thế giới văn chương Trần Hoài Dương.
“Thế giới trẻ thơ trong truyện Trần Hoài Dương đã là nơi chốn để tôi nương náu, để hồi sinh lại trái tim bị tổn thương, xoa dịu những ấm ức, thất vọng, khổ sở vì sự phi lý trong thế giới người lớn,” chị chia sẻ.
Với sự in dấu quá sâu sắc về phong cách viết cho thiếu nhi của Trần Hoài Dương, nhà văn Trương Huỳnh Như Trân cũng là một tác giả của thiếu nhi. Chị cũng chọn lựa phong cách và giọng điệu trong trẻo, mang tính đồng thoại.
“Ở thể loại này, tôi được trở lại với thiên nhiên, trò chuyện với những người bạn khác loài nhưng đồng đẳng, không có một sự phân biệt nào. Ở đó, tôi trở lại là một đứa trẻ, tung tăng trên đồng, hít hà mùi thơm của cỏ, vuốt ve đôi tai mềm nhung của chú mèo nhỏ, tha thẩn chơi với cào cào châu chấu…, chưa bao giờ hết say mê,” chị nói thêm.
Chị bày tỏ sự biết ơn bởi nhà văn Trần Hoài Dương đã tạo ra một thế giới đầy nhân bản, bằng một trái tim yêu thương dường như bất tận.
Con trai duy nhất của nhà văn, nhạc sỹ Trần Lê Quỳnh (“Chân tình,” “Cô gái đến từ hôm qua,” "Tuyết rơi mùa hè") hiện đang sống ở Anh, do dịch bệnh nên không thể dự tọa đàm. Anh luôn nhớ đến bố như một người thầy, người bạn lớn của mình.
“Ngay từ nhỏ cho đến khi trưởng thành, những quan điểm của bố về cách sống, có ảnh hưởng rất lớn đến nhân sinh quan của tôi. Tôi biết ơn bố còn vì ông luôn lắng nghe, gợi ý cho tôi mỗi khi tôi có vướng mắc, khó khăn, cần một người tâm sự,” anh rưng rưng nhớ về bố.
Mười năm đã đi qua nhưng tình cảm bè bạn, người thân dành cho ông vẫn vô cùng sâu đậm, hẳn là vì sự chân tình của ông lúc sinh thời.
“Một trong những điều lớn nhất tôi cố gắng học từ ông là sự chân thành trong đối nhân xử thế. Sự chu đáo của ông với những người ông quý mến là điều rất nhiều người nhắc đến. Văn xuôi của ông được xem là rất đẹp, trong trẻo, hệt như cách ông đã sống,” nhạc sỹ chia sẻ.
Bởi sống ở nước ngoài nên các con của anh không được học những tác phẩm của ông nội trong chương trình phổ thông. Tuy nhiên, nhạc sỹ vẫn thường đọc sách của ông cho hai con nghe.
Nhà văn Trần Hoài Dương là một trong số ít những tác giả thành danh với những trang viết dành cho thiếu nhi. Cùng với Phạm Hổ, Thy Ngọc, Võ Quảng, Định Hải, họ đã thiết lập nên một thế giới hồn nhiên cho người Việt Nam./.
Nhạc sỹ Trần Lê Quỳnh chia sẻ những ký ức về nhà văn Trần Hoài Dương:
Nhà văn Trần Hoài Dương tên thật là Trần Bắc Quỳ, sinh ngày 8/11/1943, tại Hải Dương, từng công tác tại Tạp chí Học tập (Tạp chí Cộng Sản), báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn), Nhà xuất bản Măng Non, Nhà xuất bản Trẻ. Từ năm1992, ông là nhà văn tự do, chuyên sáng tác cho thiếu nhi. Ông đã ấn hành 24 tác phẩm gồm các tập truyện ngắn, đồng thoại, truyện dài. Ngoài ra, ông còn viết kịch bản phim hoạt hình và kịch bản múa rối cho thiếu nhi.
Cố nhà văn từng đạt nhiều giải thưởng như giải Nhất kịch bản phim cho thiếu nhi tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 (1983) với kịch bản phim hoạt hình "Bé rơm," giải A tác phẩm Tuổi xanh năm 1993 với tác phẩm "Một thoáng heo may phương Nam," giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 với tác phẩm “Miền xanh thẳm,"...
Từ năm 1982, ông sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 6/5/2011 sau một cơn đột quỵ tại nhà riêng.