Tìm về nguồn cội...
Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hòa theo dòng chảy cuộc đấu tranh của Nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược, phong trào đấu tranh của Nhân dân thị xã Thanh Hóa cũng diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú và quyết liệt.
Năm 1924, đồng chí Lê Hữu Lập là một trong số thanh niên ưu tú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn và là người Thanh Hóa đầu tiên được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1925, đồng chí Lê Hữu Lập về Thanh Hóa giữa lúc phong trào yêu nước lên cao nhưng chưa có đường lối chính trị và tổ chức cách mạng rõ ràng. Đồng chí Lê Hữu Lập kịp thời hòa mình vào phong trào quần chúng, khẩn trương tiến hành những hoạt động tuyên truyền giác ngộ cho lớp thanh niên hăng hái ở địa phương. Tháng 5-1926, đồng chí Lê Hữu Lập đã thành lập ra hội đọc sách báo cách mạng gồm 10 người, gọi là “Thập nhân chi hội”. Thông qua hoạt động của hội đọc sách báo cách mạng để truyền thụ những kiến thức đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc về thời cuộc.
Đầu năm 1927, Tiểu tổ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở thị xã được thành lập. Nhằm giữ bí mật, che mắt chính quyền thực dân phong kiến, đồng chí Lê Hữu Lập đã thuê ngôi nhà số 26 Hàng Than, bố trí bên ngoài là cửa hàng bán nước mắm, bên trong là nơi liên lạc, hội họp, đón tiếp các đồng chí từ huyện, từ tỉnh ngoài đến. Cũng tại ngôi nhà này, tháng 4-1927 hội nghị đại biểu của 11 Tiểu tổ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên quyết định thành lập Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Hội nghị cử ban chấp hành Tỉnh bộ lâm thời gồm 3 ủy viên, đồng chí Lê Hữu Lập làm Bí thư. Để nâng cao trình độ giác ngộ cho hội viên, tổ chức hội đã tìm mọi cách để mở các lớp huấn luyện chính trị và cuốn sách “Đường Kách mệnh” do Nguyễn Ái Quốc biên soạn là tài liệu chính để huấn luyện hội viên. Các lớp học trong nội thị được tổ chức ở chùa Mật Sơn và ở Hàm Rồng. Với nội dung cô đọng nhưng sâu sắc, các bài giảng đã gợi mở cho người học con đường phải đi, công việc phải làm, phương pháp hành động và tu dưỡng tư cách người cách mạng. Qua các lớp học đã đào tạo được khá đông cán bộ cốt cán cho phong trào cách mạng và tổ chức ở các huyện. Cũng trong thời gian này, sự phân hóa của Tổng bộ Tân Việt đã ảnh hưởng sâu sắc đến Tỉnh bộ Tân Việt ở Thanh Hóa. Buổi đầu, Tỉnh bộ Tân Việt đặt ở Ngô Xá (Thiệu Hóa), sau chuyển về Lò Chum (thị xã Thanh Hóa). Từ đây, Tỉnh bộ Tân Việt hoạt động theo “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái quốc, tạo ra bước ngoặt mới căn bản về tổ chức. Năm 1929, trụ sở Tỉnh bộ Tân Việt chuyển lên phố Thợ Thêu (TP Thanh Hóa)(1) và mở hiệu sửa chữa xe đạp Dụ An làm nơi liên lạc với các cơ sở cách mạng ở các huyện và liên tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh. Đầu tháng 8-1929, cửa hiệu Dụ An đóng cửa, nhiều đảng viên của Tỉnh bộ Tân Việt bị địch bắt giam.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Tại Thanh Hóa, trên cơ sở các chi bộ cộng sản đầu tiên là Hàm Hạ (Đông Sơn), Phúc Lộc (Thiệu Hóa) và Yên Trường (Thọ Xuân), ngày 29-7-1930, Đảng bộ Thanh Hóa được thành lập. Sự ra đời và hoạt động của Đảng bộ Thanh Hóa là bước ngoặt trọng đại trong phong trào đấu tranh cách mạng giành chính quyền ở tỉnh ta, chấm dứt giai đoạn khủng hoảng kéo dài do thiếu sự lãnh đạo của một chính Đảng. Những năm từ 1930 đến 1939, thành phố tiếp tục trở thành đầu mối liên lạc của phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh. Cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng dời từ nông thôn về thành phố. Trung tuần tháng 7-1937, một cuộc họp có tính chất mặt trận đã diễn ra tại nhà ông Nguyễn Văn Ninh, số 20 phố Lò Chum, gồm đại diện thân sĩ tiến bộ ở các huyện, lớp thanh niên cấp tiến để thành lập ban vận động và nhất trí chương trình hành động đòi tự do, dân chủ, giảm sưu thuế... Nhằm tiếp tục nâng cao ý thức cách mạng cho các tầng lớp Nhân dân, tháng 5-1938, tại thành phố, Tỉnh ủy quyết định mở “Thanh Hóa thư quán”, đại lý phát hành công khai sách báo của Đảng. Học sinh trung học ở thành phố lập các nhóm cộng tác viên đi bán báo. “Thanh Hóa thư quán” dần dần trở thành trung tâm tuyên truyền, cung cấp sách báo tiến bộ cho các cơ sở cách mạng trong thành phố và cả tỉnh.
Dưới sự tổ chức của Mặt trận Việt Minh, các tầng lớp Nhân dân thành phố đã cùng với Nhân dân cả tỉnh đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật, giành chính quyền về tay Nhân dân. Sau khi giành được chính quyền, nhiệm vụ cấp bách là thành lập tổ chức đảng để lãnh đạo Nhân dân chống thù trong, giặc ngoài, xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ. Ngày 15-11-1945, tại Nhà máy đèn, đồng chí Bùi Đạt, đại diện Tỉnh ủy đã triệu tập hội nghị công bố quyết định của Tỉnh ủy thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của thành phố do đồng chí Trần Tiến Quân làm Bí thư. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị lớn lao để Nhân dân thành phố tiếp tục tiến lên dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng. Chỉ sau một thời gian ngắn, số đảng viên trong chi bộ đã lên tới 20 đồng chí. Chấp hành chỉ thị của Tỉnh ủy, tháng 3-1946, tại tầng 2 Nhà máy Đèn diễn ra hội nghị toàn thể bầu Thị ủy lâm thời gồm 3 đồng chí. Đồng chí Trần Tiến Quân làm Bí thư(2).
Dưới ánh sáng của Đảng, Nhân dân thị xã đã cùng với Nhân dân cả tỉnh, cả nước tiếp tục đưa phong trào cách mạng phát triển. Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thị xã Thanh Hóa đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hòa bình lập lại, cán bộ, đảng viên, Nhân dân thị xã Thanh Hóa tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của cả tỉnh.
Bài viết có sử dụng tư liệu cuốn sách Lịch sử Đảng bộ TP Thanh Hóa 1945-2015 (xuất bản năm 2015).
(1) Ngày 31-5-1929, toàn quyền Đông Dương ký Nghị định nâng cấp thị xã Thanh Hóa lên TP Thanh Hóa.
(2) Năm 1946, thực hiện Sắc lệnh số 11 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những thành phố trực thuộc tỉnh đều gọi là thị xã; TP Thanh Hóa chuyển thành thị xã Thanh Hóa.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/tim-ve-nguon-coi/121280.htm