Tìm việc làm thêm thời vụ dịp sát Tết: Nguy cơ sập bẫy lừa 'việc nhẹ, lương cao'
Chỉ hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Trước nhu cầu về việc làm thêm ngắn hạn của người dân tăng cao, một số đối tượng đăng tin tuyển dụng 'việc nhẹ, lương cao' để lừa đảo khiến nhiều 'con mồi' nhanh chóng 'sập bẫy'.
Nhan nhản “việc nhẹ, lương cao”
Vào mạng, chỉ cần gõ cụm từ “tìm việc làm thêm dịp Tết” chỉ trong vài giây có thể nhận được hàng nghìn kết quả khác nhau. Không ít bạn trẻ lần đầu kiếm việc làm thêm lấy tiền tiêu Tết đã hoa mắt trước ma trận thông tin tuyển dụng với những lời giới thiệu có cánh như: “Gần Tết thiếu nhân viên nên cửa hàng cần tuyển số lượng lớn cộng tác viên trả lời tin nhắn với mức lương 100.000 đồng/ngày, trả vào cuối ngày. Yêu cầu chỉ cần biết dán, bấm chụp, màn hình”.
“Tết sắp đến, tìm nhân viên đánh máy theo mẫu, 200.000 đồng/20 bài, mỗi văn bản trên 100 từ” hoặc “Tuyển nhân viên bán hàng kiêm người mẫu chụp quần áo, lương 150.000 đồng/ngày, có ăn trưa, thưởng theo doanh thu”;
“Làm việc tại nhà lúc rảnh rỗi, không yêu cầu kinh nghiệm, lương 600 - 900 nghìn đồng/tuần”; “Cần tuyển nhân viên đăng bài theo mẫu có sẵn, lương từ 4 - 8 triệu đồng/tháng”…
Điều đáng nói là, những cá nhân đăng tin tuyển dụng thường không có địa chỉ mà chỉ để lại số điện thoại hoặc nhắn tin. Yêu cầu tuyển dụng khá dễ dàng, không cần kinh nghiệm, không cần thử việc, không cần trình độ và đánh trúng tâm lý của các bạn trẻ đang nôn nóng tìm việc.
Tuy không mô tả cụ thể công việc nhưng bên tuyển dụng lại đưa ra các chiêu dụ khách hàng như nộp phí sớm sẽ được khuyến mại nhiều, giới thiệu người khác sẽ được cộng thêm tiền, đi theo nhóm sẽ được giảm %…
Là một trong những nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, bạn N.T – sinh viên Trường ĐH Văn hóa chia sẻ, sau khi đọc được tin một siêu thị mini cần người bán hàng Tết với mức lương hấp dẫn 200.000 đồng/ngày, trước khi đến nơi làm việc, T đã vội vã chuyển khoản 400.000 đồng phí giữ chỗ, đồng phục...Tuy vậy, khi đến nơi, T mới biết đó chỉ làm cửa hàng bán tạp hóa nhỏ và chủ cửa hàng không có nhu cầu thuê nhân viên. T gọi điện đến số điện thoại của bên tuyển người thì thấy…tắt máy.
Làm sao để nhận biết hành vi lừa đảo tuyển dụng thời vụ dịp Tết?
Về dấu hiệu nhận biết hành vi lừa đảo tuyển dụng thời vụ dịp Tết năm 2023, theo anh Nguyễn Đức Hòa – Giám đốc một công ty giới thiệu việc làm ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, hầu hết các đối tượng đều yêu cầu người lao động đặt cọc trước khi nhận việc hoặc thu tiền người lao động khi tham gia tuyển dụng với danh nghĩa “tiền hồ sơ”, “tiền bảo đảm không bỏ việc”, “phí tuyển dụng”…
Bên cạnh đó, một số cá nhân còn yêu cầu người lao động nộp phí mở tài khoản trả lương; Yêu cầu liên kết tài khoản ngân hàng với app trả lương. Việc liên kết này có thể khiến người lao động bị lộ thông tin, đánh cắp dữ liệu về tài khoản ngân hàng cá nhân.
Về chế tài xử lý đối với các hành vi trên, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo khoản 2 Điều 17 BLLĐ 2019 , người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Như vậy, việc tuyển dụng lao động thời vụ dịp Tết với yêu cầu họ phải đóng tiền đặt cọc trước khi vào làm việc là hành vi bị nghiêm cấm.
Theo đó, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20-25 triệu đồng theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về hành vi buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, tổ chức vi phạm bị phạt gấp đôi.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 11 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động. Nếu người sử dụng lao động thu tiền khi tuyển dụng thì có thể bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng (Khoản 1 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Còn về yêu cầu nộp phí mở tài khoản trả lương, nếu người sử dụng lao động trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương (khoản 2 Điều 96 BLLĐ 2019).
Nếu người sử dụng lao động yêu cầu người lao động trả phí cho việc mở tài khoản để trả lương là trái quy định của pháp luật.
Để tránh “tiền mất tật mang”, người lao động cần cẩn trọng và lựa chọn những nơi tuyển dụng rõ ràng, uy tín khi tìm kiếm công việc thời vụ dịp Tết - Luật sư Hồng Vân khuyến cáo.