Timor Leste lần đầu tiên tham dự hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN
Ngày 3/2, Timor Leste đã lần đầu tiên tham dự Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN (ACC), được tổ chức tại trụ sở Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Indonesia, với tư cách thành viên về mặt nguyên tắc.
Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 32 (ACC 32), Bộ trưởng Ngoại giao Timor Leste Adaljiza Albertina Xavier Reis Magno đã cảm ơn sự hỗ trợ của tất cả các nước thành viên ASEAN. Bà cho biết quá trình nỗ lực lâu dài của Timor Leste để trở thành thành viên thứ 11 của ASEAN bắt đầu “đơm hoa kết trái” với khởi đầu là việc trao quy chế quan sát viên cho nước này trong chuỗi sự kiện Hội nghị Cấp cao ASEAN 2022.
Bộ trưởng Ngoại giao Timor Leste nhấn mạnh sự tham gia của Timor Leste thể hiện nguyện vọng của người dân nước này, cũng như cơ hội tốt để hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia trong khu vực trong thời gian tới.
Bà Magno cho rằng, kết quả mà ASEAN đạt được đến thời điểm này là thành quả của những nỗ lực và hợp tác của tất cả các nước thành viên. “Chúng tôi đã không phải một mình đi hết chặng đường", Bộ trưởng Magno khẳng định.
Trên cương vị chủ trì ACC 32, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi - chủ trì ACC 32 - nhấn mạnh: “Để tạo ra một ASEAN linh hoạt và thích ứng với những thách thức trong tương lai, cuộc họp lần này của ACC chào đón sự xuất hiện của Timor Leste, với tư cách là một phần của gia đình ASEAN”.
Timor Leste đệ đơn xin gia nhập ASEAN từ năm 2011 và phải mất hơn 10 năm để trở thành thành viên về mặt nguyên tắc.
Một trong những nội dung quan trọng của ACC lần này là thảo luận về tiến trình kết nạp Timor Leste thành thành viên chính thức thứ 11 của ASEAN. ACC cũng giao nhiệm vụ cho nhóm công tác xây dựng dự thảo lộ trình để Timor Leste trở thành thành viên đầy đủ. Hội nghị có sự tham gia của 9 bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên ASEAN và Timor Leste.
Cũng trong ngày 3/2, tại buổi tiếp xã giao Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn tại Cung điện Merdeka ở thủ đô Jakarta, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh quyết tâm duy trì vai trò trung tâm và tinh thần đoàn kết nội khối là thực sự cần thiết để đưa ASEAN trở thành tâm điểm của tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề cấp bách trong khu vực như thực hiện Đồng thuận 5 điểm về vấn đề Myanmar. Ông cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng các nguyên nguyên tắc dân chủ, luật pháp quốc tế và nhân quyền theo Hiến chương ASEAN.
Buổi tiếp xã giao diễn ra ngay trước thềm Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN đầu tiên trong năm Indonesia giữ cương vị Chủ tịch ASEAN 2023.
Phát biểu họp báo sau Hội nghị Điều phối ASEAN lần thứ 32 (ACC32) ngày 3/2 tại Jakarta, Bộ trưởng Indonesia etno Marsudi nêu rõ AOIP sẽ tập trung 4 ưu tiên, bao gồm: kết nối, hàng hải, Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) và kinh tế. Trong đó, Indonesia - trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2023 - sẽ xây dựng danh sách cụ thể các dự án để thực hiện AOIP với sự tham gia của tất cả các đối tác của ASEAN.
AOIP là sáng kiến do Indonesia khởi xướng và được thống nhất vào năm 2019. AOIP khẳng định vai trò, vị thế của ASEAN trong duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
AIOP được kỳ vọng sẽ tạo ra cách tiếp cận cởi mở và toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác ASEAN với các đối tác và cùng duy trì hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.