Tin 27/9: Thông tin mới nhất về đợt mưa lớn dài ngày ở miền Bắc; người trúng đấu giá hơn 32 tỉ đồng cho biển số xe 51K-888.88 vẫn 'bặt vô âm tín'
Theo đại diện Cục CSGT Bộ Công an, hiện đã có 7 người trúng đấu giá biển số xe ôtô nộp tổng số tiền gần 11 tỉ đồng, nhiều biển số trúng đấu giá số tiền lớn vẫn chưa nộp tiền.
Thông tin mới nhất về đợt mưa lớn dài ngày ở miền Bắc
Trung tâm Khí tượng Thủy văn cho biết, từ nay đến ngày 28/9, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm. Từ nay đến đêm 27/9, ở khu vực:
- Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Hòa Bình, Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 60-120mm, có nơi trên 150mm.
- Nam Bộ có mưa vừa, cục bộ có mưa to với 30-70mm, có nơi trên 100mm (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm).
Ngoài ra, ngày 27/9, các nơi khác ở Bắc Bộ, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm; ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chiều và tối có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 60mm.
Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Vì sao Bộ Công an đề xuất đổi những giấy phép lái xe cấp trước tháng 7-2012?
Sáng 26/9, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) đã tổ chức tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.
Tại tọa đàm, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an) đã trả lời về một số đề xuất mới trong dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ. Trong đó, theo Điều 81 Quy định chuyển tiếp của dự thảo có nêu: "Giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1 tháng 7 năm 2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định" đang được dư luận quan tâm.
Đại diện Cục CSGT cho biết giấy phép lái xe trước tháng 7-2012 là dạng giấy bìa, còn sau thời điểm trên bằng vật liệu PET. Giấy phép lái xe đổi sang dạng PET được cập nhật trong hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải). Hệ thống này sẽ là dữ liệu để tích hợp vào định danh điện tử, VNeID...
Giải thích thêm, đại diện Cục CSGT cho biết trong quá trình nghiên cứu về quy định giấy phép lái xe, Cục đã tiếp thu theo quy định Công ước Viên, phù hợp với hoạt động quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng giấy phép lái xe chưa đồng bộ với Công ước Viên.
Công ước Viên quy định Hạng A là xe máy, Hạng B là ôtô... Tuy nhiên, Việt Nam lại chia thành A1, A2, B1, B2... "Việc thay đổi này đảm bảo phù hợp khi Việt Nam là thành viên của các hiệp ước, công ước, chấp nhận những giấy phép lái xe quốc tế"- đại diện Cục CSGT nói.
Đà Lạt sắp mở rộng diện tích gấp 4 lần
Ngày 25/9, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh.
Với kế hoạch được ban hành, đơn vị hành chính cấp huyện sẽ được tỉnh này nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số 3 huyện, gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên thành một huyện.
Tỉnh Lâm Đồng cũng đưa ra kế hoạch sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt, mục tiêu mở rộng không gian thành phố. Cụ thể hơn, diện tích của Đà Lạt từ 393 km2 lên hơn 1.700 km2, sau khi sáp nhập huyện Lạc Dương (rộng hơn 1.300 km2) vào địa phương này.
Ngoài ra, tỉnh này cũng điều chỉnh 5 xã của huyện Bảo Lâm, gồm: Lộc Tân, Lộc Thành, Lộc Nam, Lộc An và Tân Lạc vào TP Bảo Lộc để mở rộng không gian đô thị.
Trong đợt này, địa phương cũng điều chỉnh, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Triệu Hải vào xã Quảng Trị, thuộc huyệ̣n Đạ Tẻh, vì không đảm bảo tiêu chí về dân cư, diện tích. Tương tự, xã Quảng Lập được sáp nhập vào xã P'Ró của huyện Đơn Dương.
Theo lộ trình đến năm 2025, các đơn vị mới hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023-2025 tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và những người dôi dư sau Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2025-2030 ở những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023-2025.
Đà Lạt là TP của tỉnh Lâm Đồng, có địa hình đồi dốc. Thành phố cao nguyên được hình thành cách đây 130 năm khi bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên.
Thành phố có diện tích tự nhiên hơn 393km2, dân số hơn 237.000 người (năm 2022). Với độ cao 1.500m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa và dịu mát quanh năm, kiến trúc độc đáo, Đà Lạt thu hút đông du khách.
Người trúng đấu giá hơn 32 tỉ đồng cho biển số xe 51K-888.88 vẫn "bặt vô âm tín"
Sáng nay 26-9, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) đã tổ chức tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.
Tại tọa đàm, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), cho biết từ ngày 15-9 đến nay đã việc đấu giá biển số xe ôtô đã diễn ra được 4 ngày. Qua đó, Công ty đấu giá đã đưa 95 số biển ra đấu giá, tổng số tiền dự thu là hơn 133 tỉ đồng.
Trong số 95 biển số đưa ra trúng đấu giá, theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, đã có 7 người nộp để lấy biển số xe với tổng tổng số tiền là gần 11 tỉ đồng. Trong đó, có một trường hợp ở Hải Phòng đã hoàn thành các thủ tục cấp biển số trúng đấu giá.
Ông Nguyễn Quang Nhật cũng cho biết thêm theo quy định của Luật Dân sự, Luật Đấu giá tài sản, nghị quyết 73, nghị định 39 của Chính phủ về thí điểm đấu giá biển số ôtô, nếu trường hợp bỏ cọc thuộc trường hợp hủy đấu giá thì biển số đó sẽ được đưa lại để tiếp tục đấu giá. Cùng với đó, cá nhân bỏ cọc sẽ bị mất tiền cọc (40 triệu đồng).
Trước đó, ngày 15-9, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tổ chức phiên đấu giá đầu tiên 11 biển số được đấu giá thành công với tổng số tiền trúng đấu giá là 82 tỉ đồng. Trong đó, biển số "siêu đẹp" 51K-888.88 được "đại gia" đấu giá lên tới hơn 32 tỉ đồng và 30K - 555.55 (Hà Nội) giá trúng cao nhất 14,12 tỉ đồng. Những phiên đấu giá sau đó có dấu hiệu "hạ nhiệt", biển "siêu đẹp" 51K-777.77 chỉ được đấu với giá hơn 3 tỉ đồng,
Theo quy chế, giá khởi điểm của một biển số là 40 triệu đồng, mỗi bước giá 5 triệu đồng. Người tham gia đấu giá cần đặt trước 40 triệu đồng cho mỗi biển số muốn tham gia và 100.000 đồng phí hồ sơ.
Trường hợp trúng đấu giá, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá (trừ đi 40 triệu đồng đã đặt trước) vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an. Nếu không trúng đấu giá, số tiền 40 triệu đồng đặt trước sẽ được hoàn trả cho khách hàng đấu giá biển số trong vòng 3 ngày làm việc, biển số xe sẽ tiếp tục đưa ra đấu giá ở các phiên tiếp theo.
Bộ Công an đề xuất xe đưa đón học sinh phải có màu sơn riêng
Tại Dự thảo lần 4 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đề xuất "Xe đưa đón học sinh phải có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện".
Cụ thể, tại Điều 46 trong Dự thảo Luật này về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với ô tô đưa đón học sinh nêu rõ, xe đưa đón học sinh phải đáp ứng hai yêu cầu.
Thứ nhất, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc ký đăng ký màu sơn để nhận diện.
Thứ hai, ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.
Cũng tại Điều này, khi đưa đón học sinh tiểu học và mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và đảm bảo an toàn cho học sinh trong suốt chuyến đi.
Trường hợp sử dụng ô tô có sức chứa trên 24 chỗ để đưa đón học sinh mầm non, phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe.
Các cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh.
Ngoài ra, cơ sở giáo giáo dục, đào tạo khi tổ chức hoạt động đưa, đón học sinh chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình bảo đảm an toàn giao thông.
Xe đưa đón học sinh cũng được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.
Đề xuất quy định mới này được đánh giá là chặt chẽ, cụ thể thể hơn khi tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa có điều khoản quy định riêng đối với ô tô đưa đón học sinh.
Cụ thể, tại Điều 66 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô chia thành 5 loại hình, gồm: Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định; kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt; kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi; kinh doanh vận tải khách du lịch và kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Với 5 loại hình nêu trên thì đối với ô tô chở học sinh đang được các Sở GTVT cấp phép hoạt động theo loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Nạn nhân nặng nhất trong vụ sập nhà 4 tầng tại TP.HCM không có bảo hiểm y tế
Chiều 26/9, theo nguồn tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), hai nạn nhân trong vụ sập nhà 4 tầng đã ổn định, diễn tiến sức khỏe tốt. Tuy nhiên, bệnh nhân không có bảo hiểm y tế.
Trong đó, trường hợp bị thương nặng nhất là thanh niên 23 tuổi (ngụ tại Sóc Trăng), được chuyển đến Khoa Cấp cứu trong tình trạng sốc, đa chấn thương, vết thương phức tạp ở vùng đầu, cổ, cẳng tay và vai phải. Nạn nhân còn bị dập phổi 2 bên, phải theo dõi dập tim, tràn khí màng phổi phải, gãy kín xương đùi trái, tổn thương thận cấp.
Ngay khi tiếp nhận, ê-kíp điều trị lập tức hồi sức cho người bệnh, truyền 2 đơn vị máu và 4 đơn vị huyết tương đông lạnh, phẫu thuật cắt lọc, khâu vết thương, xuyên đinh kéo tạ đùi phải. Khoảng 20h cùng ngày, ca phẫu thuật được thực hiện xong.
Bệnh nhân được theo dõi tại Khoa Gây mê hồi sức, thở máy, theo dõi dập phổi và tràn khí màng phổi. Đến sáng nay (26/9), bệnh nhân được rút máy thở, tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
Nạn nhân thứ 2 của vụ sập nhà được cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định là người đàn ông 31 tuổi (ngụ tại An Giang). Người này nhập viện trong tình trạng đa chấn thương gồm gãy hở 2 xương cẳng chân phải, gãy trật khớp háng trái.
Bệnh nhân được mổ cắt lọc, đặt cố định ngoài chân phải nắn trật khớp háng trái, xuyên đinh kéo tạ đùi trái. Ca phẫu thuật kết thúc lúc 2h40 ngày 24/9. Người bệnh được theo dõi hậu phẫu tại Khoa Gây mê hồi sức. Hiện tại, anh tỉnh táo, sức khỏe ổn định
Như VietNamNet đã đưa tin, khoảng 12h30 ngày 24/9, một căn nhà 4 tầng ở trong hẻm tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) bất ngờ bị đổ sập. Lực lượng cứu hộ cứu nạn đã đưa được 7 người ra khỏi đống đổ nát. Căn nhà bị sập có chiều ngang hơn 10m, sâu khoảng 20m, lọt giữa hai căn nhà có chiều cao tương đương.
Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân sơ bộ là do căn nhà có dấu hiệu bị nghiêng và được chủ nhà thuê thợ về sửa chữa, gia cố. Thời điểm sập nhà, có 7 người đứng bên trong nên bị bê tông đè trúng.
Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đã chuyển các nạn nhân đến Bệnh viện quận Bình Thạnh và Bệnh viện Nhân dân Gia Định để được xử trí kịp thời. Năm trường hợp được cấp cứu tại Bệnh viện quận Bình Thạnh đều ổn định.
Thiếu tá công an cứu 3 học sinh chới với giữa dòng suối
Ngày 26/9, Công an tỉnh Sơn La cho biết, khoảng 17h hôm 21/9, 3 em học sinh lớp 3 là Nguyễn Huy L., Mè Hoàng Bảo N. và Nguyễn Thanh T. (cùng SN 2015, học sinh lớp 3A4, Trường tiểu học thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu), rủ nhau ra bãi bồi, thuộc khu vực suối Mường Vạt chơi.
Đến 18h30 cùng ngày 21/9, không may nước suối dâng lên, các em học sinh bị mắc kẹt, bị lún bùn, chới với giữa dòng suối.
Theo cảnh sát, rất may thời điểm đó, Thiếu tá Lò Văn Cường, Phó Đội trưởng đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an huyện Yên Châu, đi thể dục qua, nghe tiếng kêu cứu của các em học sinh nên đã nhanh chóng bơi ra giữa lòng suối, cứu được các em học sinh lên bờ và liên hệ đưa các em về nhà an toàn.
Qua sự việc trên, Công an tỉnh Sơn La cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh, bà con nhân dân trên địa bàn thường xuyên chăm lo, quan tâm giám sát hơn nữa đến các cháu, các con, nhất là trong thời điểm mùa mưa bão này, tránh các vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Cô giáo mất ngủ triền miên, ngỡ là do tiếng ngáy của chồng
Nữ bệnh nhân Đ.T.B. (42 tuổi, ở Hải Dương) đến Viện Sức khỏe Tâm thần (thuộc Bệnh viện Bạch Mai) khám vì mất ngủ suốt 3 tháng. Người thân bệnh nhân cho biết cô B. là giáo viên dạy toán, trong cuộc sống hàng ngày cô sống nội tâm, cầu toàn, dù quan tâm tới người khác nhưng ít chia sẻ.
Nữ bệnh nhân có 2 con, một trai, một gái, các con đều ngoan và học giỏi. Cuộc sống gia đình hòa thuận, không có mâu thuẫn hay sang chấn tâm lý.
Khoảng 1 năm trở lại đây, bệnh nhân ngủ ít, lúc đầu ngủ 4-5 tiếng/ngày, gần đây chỉ ngủ 1-2 tiếng/ngày, ngủ không sâu giấc và khi lên giường 2-3 tiếng mới bắt đầu ngủ được. Cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, uể oải, đau đầu, khiến cô giáo lơ đãng khi đứng lớp và không thể tập trung làm việc.
"Gần đây, tôi mệt mỏi hơn, dễ nổi cáu vô cớ, ăn kém ngon miệng, sụt 2 kg trong 2 tháng. Chỉ tiếng động nhỏ cũng làm tôi tỉnh giấc và không ngủ lại được. Đặc biệt, tôi còn sợ không dám ngủ chung giường với chồng, vì chồng ngủ ngáy. Lúc đầu, tôi nghĩ đây là nguyên nhân khiến tôi mất ngủ, nhưng khi ngủ riêng tôi vẫn không thể ngủ được" - nữ bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ.
Sau khi đi khám ở địa phương rồi dùng thuốc 1 tháng không đỡ, nhiều đêm vẫn thức trắng, bệnh nhân đã tới Viện Sức khỏe tâm thăm khám.
Bác sĩ Phạm Công Huân, Phòng Điều trị tâm thần, Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết kết quả thăm khám cho thấy bệnh nhân B. mắc hội chứng mất ngủ, với biểu hiện điển hình như khó vào giấc, giấc ngủ không sâu, thức giấc sớm và không ngủ lại được.
Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc đặc hiệu kết hợp với liệu pháp thư giãn, luyện tập, vệ sinh giấc ngủ, trị liệu tâm lý. Sau 1 tháng điều trị, hiện bệnh nhân ổn định, ngủ được tốt hơn, cảm xúc hành vi phù hợp, ăn uống tốt hơn.
Bác sĩ Đoàn Thị Huệ, Phó trưởng phòng Điều trị tâm thần, Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết rối loạn giấc ngủ thường xảy ra cùng với các tình trạng bệnh thể chất hoặc tình trạng sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, lo lắng hoặc rối loạn nhận thức. Rối loạn giấc ngủ thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, đặc biệt tỉ lệ mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh cao so với những người ở thời kỳ tiền mãn kinh.
Rối loạn giấc ngủ nếu không được điều trị sẽ gây nhiều hệ lụy với sức khỏe, như khiến người bệnh đau khổ hoặc suy giảm hiệu quả làm việc, học tập, khó kiểm soát hành vi... Tình trạng này kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp, béo phì...
Do vậy, khi có các biểu hiện như khó ngủ xuất hiện ít nhất 3 tháng; không thể ngủ được dù có cơ hội ngủ; các rối loạn tâm thần cùng tồn tại với tình trạng mất ngủ… cần đi khám để điều trị kịp thời.