Tin 3/3: Bị bỏ rơi trong đêm, bé gái 7 ngày tuổi phải cấp cứu vì côn trùng cắn; xe buýt từ chối người khuyết tật khiến cộng đồng mạng bức xúc
Trong 1 ngày có 2 trẻ sơ sinh bị người thân bỏ rơi ven đường trong thời tiết rét buốt, bị côn trùng cắn phải cấp cứu; Tài xế xe buýt không mở cửa, còn người phụ nữ bán vé chỉ mở ô cửa kính nhỏ từ chối không chở một người bị mất tay, chân.
Bị bỏ rơi trong đêm, bé gái 7 ngày tuổi bị côn trùng cắn phải cấp cứu
Theo đó, vào khoảng 18 giờ ngày 28/2, tại thôn Rừng Cấm - Chằm Non, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn, người dân phát hiện một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi ở ven đường và đưa cháu bé tới Trạm Y tế xã Hòa Lạc.
Qua thăm khám, bé trai có cân nặng 3,5kg, được khoảng 3 ngày tuổi, tình trạng sức khỏe yếu. Sau vài ngày chăm sóc tích cực, bé hồi phục nhanh, ổn định. Hiện vẫn chưa xác định được nhân thân và một gia đình trên địa bàn xã đến làm thủ tục xin nhận nuôi cháu bé.
Cũng trong đêm 28/2, người dân phát hiện trẻ sơ sinh M.T.Đ (giới tính nữ, 7 ngày tuổi) ở thôn Nặm Slù, xã Bắc La, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn bị bỏ rơi ở khu vực rừng gần nhà và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cấp cứu trong tình trạng bị côn trùng cắn, hạ thân nhiệt. .
Được biết, mẹ cháu bé mắc bệnh tâm thần phân liệt, gia đình thuộc diện hộ nghèo và bị chính bố đẻ không muốn nuôi dưỡng.
Nhận được thông tin, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lạng Sơn phối hợp với các đoàn thể, chính quyền và nhà hảo tâm đến thăm, trao tiền hỗ trợ cho cháu M.T.Đ. Tính đến ngày 2/3, gia đình cháu bé đã nhận được tổng số tiền khoảng 80 triệu đồng.
Hiện bé cháu M.T.Đ vẫn được điều trị ở Bệnh viện Lạng Sơn.
Hà Nội: Ca bệnh đầu tiên trong năm lây vi khuẩn từ lợn
Nam bệnh nhân 52 tuổi (ở đường An Hòa, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) làm nghề bán lòng lợn tiết canh. Hơn 2 tuần trước người đàn ông này bị sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn. Sau 4 ngày tự điều trị tại nhà không đỡ, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Quân y 103. Kết quả cấy máu cho thấy dương tính với Streptococcus suis - vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết bệnh liên cầu khuẩn lợn không chỉ xảy ra với những trường hợp ăn tiết canh sống, nem sống, thịt tái sống mà cả những người giết mổ lợn, làm thịt lợn, bán thịt… cũng có nguy cơ nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thịt có mầm bệnh.
Trước đó, trong năm 2022, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 4 ca mắc liên cầu khuẩn lợn (tăng 3 ca so với cùng kì năm 2021).
Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu lây từ lợn. Tỉ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn gây ra khoảng 7%. "Nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai, giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục", chuyên gia truyền nhiễm cảnh báo.
Vi khuẩn gây bệnh lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp mắc ngay từ đầu đã nặng.
Các bác sĩ khuyến cáo cách tốt nhất để tránh lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn là phòng bệnh vì nếu bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng.
Bác sĩ Cấp cho hay hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, mà chỉ điều trị bằng kháng sinh thời gian dài, kết hợp lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ có thể phải điều trị ít nhất 3 tuần, bị nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến hai tháng, chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
"Thông thường, vi khuẩn liên cầu khuẩn lợn thường cư trú ở vùng họng của lợn, mà không gây bệnh cho con vật. Do đó, những con lợn này trở thành lợn lành mang mầm bệnh và bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu. Tỉ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn lợn không triệu chứng trong một đàn lợn chiếm 60-100%", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.
Người phụ nữ 37 tuổi tắc động mạch phổi nghi do thuốc tránh thai
Ngày 2-3, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Hồng Tuấn, Trưởng Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết các bác sĩ tại bệnh viện vừa kịp thời can thiệp cứu người phụ nữ (37 tuổi) bị thuyên tắc động mạch phổi.
Theo đó, trước khi nhập viện bệnh nhân mệt khi gắng sức, khó thở, đau ngực. Đến bệnh viện thăm khám, kết quả siêu âm tim ghi nhận chị bị suy tim, có dấu hiệu gợi ý tắc động mạch phổi.
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết đã có 2 con nên sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày. Đến nay, chị đã sử dụng loại thuốc này hơn 15 năm.
Sau đó, bệnh nhân được chỉ định chụp CT ngực có tiêm thuốc cản quang để dựng hình mạch máu phổi. Kết quả ghi nhận chị bị tắc 90% động mạch phổi hai bên. Nhanh chóng, bệnh nhân được nhập Đơn vị hồi sức tim mạch, Khoa Nội tim mạch - Lão học điều trị.
Bác sĩ Võ Tấn Được, Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân chia sẻ ngay lập tức bệnh nhân được sử dụng thuốc chống đông. Sau đó, qua hội chẩn, các bác sĩ quyết định dùng thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục máu đông trong động mạch phổi của người bệnh.
Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân hết mệt và khó thở, sinh hoạt bình thường. Chị tiếp tục sử dụng thuốc chống đông đường tiêm, đường uống và được xuất viện. Tình trạng suy tim đã cải thiện.
"Bệnh nhân chưa đến 40 tuổi nhưng bị tắc nghẽn mạch máu nên các bác sĩ đã truy tìm tất cả nguy cơ gây bệnh. Kết quả xét nghiệm về rối loạn đông máu di truyền không có bất thường, bệnh nhân không có tiền căn chấn thương hay gợi ý về bệnh lý huyết học… Do vậy, nguy cơ lớn nhất là việc sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày trên 15 năm" – bác sĩ Được cho hay.
Theo bác sĩ Được, tỉ lệ bệnh nhân bị thuyên tắc mạch do dùng thuốc tránh thai đường uống có rất thấp, chiếm 1/10.000. Tuy nhiên, trước đó, bác sĩ Được cũng đã từng điều trị cho một phụ nữ bị thuyên tắc tĩnh mạch nội sọ vì nguyên nhân này.
Công an truy tìm cô gái trẻ xinh đẹp tên Huyền
Ngày 1-3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) đang điều tra, xác minh vụ án "Cố ý gây thương tích" xảy ra ngày 28-5-2022, tại phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Quá trình điều tra, công an xác định Vũ Ngọc Huyền (SN 2004) có liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, hiện nay không rõ Vũ Ngọc Huyền ở đâu.
Để phục vụ điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm truy tìm Vũ Ngọc Huyền.
Ai biết hoặc nhìn thấy Vũ Ngọc Huyền thì báo ngay cho Công an quận Hoàn Kiếm (Địa chỉ: Số 2 Tràng Thi, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội; SĐT: 0985.616.866 - cán bộ Hiệp) hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp giải quyết vụ việc theo quy định.
Tài xế xe buýt bỏ rơi người khuyết tật khiến cộng đồng mạng bức xúc
Mới đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin 1 người đàn ông bị mất tay chân nhờ người đi đường đón xe buýt và bế lên xe.
Người đàn ông này đã vẫy xe buýt BKS 37B – 01.xxx để bế người đàn ông khuyết tật lên. Tuy nhiên, lái xe buýt không mở cửa, còn người phụ nữ bán vé chỉ mở ô cửa kính nhỏ từ chối không chở vì sẽ không ai bế xuống được. Sau đó, chiếc xe này chạy đi trong sự ngỡ ngàng của mọi người dân chứng kiến.
Sự việc được cho là xảy ra trên tuyến đường ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An; xe buýt chạy tuyến Vinh - Cửa Lò, hãng N.A.
Sau khi đăng tải, thông tin này đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Hầu hết đều bày tỏ bức xúc trước cách hành xử của lái và phụ xe buýt.
Liên quan đến vụ việc, một lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết: "Thanh tra đang mời đại diện hãng xe buýt bị phản ánh lên làm việc nhằm xác minh, làm rõ vụ việc. Nếu vụ việc đúng như dư luận phản ánh, đơn vị sẽ xử lý nghiêm minh".
Chủ quan với cơn đau bụng, nam bệnh nhân phải cắt nhiều đoạn ruột
Bác sĩ theo dõi cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh BVCC.Ngày 2/3, theo thông tin từ Bệnh viên đa khoa tỉnh Cao Bằng, đơn vị tiếp nhận nam bệnh nhân H.V.B (64 tuổi, thường trú tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) vào cấp cứu vì đau bụng dữ dội.
Trước đó, bệnh nhân xuất hiện đau bụng nhưng chủ quan không đi bệnh viện. Khi bụng đau nhiều, chướng căng, thể trạng suy kiệt, bệnh nhân mới được đưa đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn - viêm phúc mạc toàn thể do thủng tạng rỗng, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Sau thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân nhanh chóng được hội chẩn toàn viện và chuyển mổ cấp cứu.
Bệnh nhân bị hoại tử ruột non, hoại tử đại tràng trái, u trực tràng thấp. Bác sĩ đã cắt toàn bộ đại tràng trái, đại tràng sigma, trực tràng hoại tử và một phần đại tràng ngang. Hiện, ông B. vẫn đang được theo dõi tích cực sau phẫu thuật.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy có các dấu hiệu đau bụng như đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua… người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
'Bò điên' húc cụ bà bất tỉnh, bé 7 tháng tuổi rơi khỏi võng
Ngày 1/3, thông tin với PV, anh L.H.N. (36 tuổi, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết con trai 7 tháng tuổi của anh đang dần hồi phục sau khi bị một con bò gây thương tích.
Anh N. cho biết đầu giờ chiều hôm qua (28/2), khi con trai của anh đang nằm ngủ trên võng ở trong nhà trên đường Hẻm 9 (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) thì bỗng dưng xuất hiện một con bò đi vào nhà.
Phát hiện vụ việc, anh N. đuổi con bò ra ngoài thì bỗng dưng con vật húc chiếc võng làm con trai anh rơi xuống nền nhà và bị thương nhẹ ở vùng đầu và mắt.
Sau khi xông vào nhà anh N. "làm loạn", con bò trên tiếp tục chạy ra giao lộ giữa tỉnh lộ 7 - đường Hẻm 9 rồi húc mạnh vào bà H. (78 tuổi, quê Tây Ninh).
Sau vụ việc bà H. ngã xuống đường rồi bất tỉnh. Nạn nhân được đưa đi sơ cứu rồi chuyển tuyến đến Bệnh viện 115 (quận 10) để tiếp tục điều trị.
Theo thông tin ban đầu, con bò gây ra vụ việc do một hộ dân ở trên đường Hẻm 9 vừa mới mua. Do dây thừng buộc con bò bị tuột khiến con vật chạy rông ra đường và gây ra vụ việc đáng tiếc.
Chiều 1/3, thông tin đến PV, đại diện UBND xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) xác nhận có vụ việc này xảy ra. "Hiện chủ của con bò và các bên liên quan đã tự thương lượng bồi thường", đại diện UBND xã An Nhơn Tây cho biết.
Những trái cây rất tốt cho phụ nữ mang thai