Tin bất động sản ngày 24/4: Lâm Đồng báo cáo về việc xử lý loạt dự án sai phạm tại Đà Lạt
Thanh Hóa duyệt đồ án quy hoạch Khu công nghiệp 353ha; Doanh nghiệp mới thành lập muốn làm dự án KĐT hơn 2.000 tỷ đồng tại Thái Nguyên; Bình Định chấm dứt dự án sản xuất ván gỗ hơn 4.300 tỷ tại thị xã Hoài Nhơn… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Lâm Đồng báo cáo về việc xử lý loạt dự án sai phạm tại Đà Lạt
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo nhanh liên quan đến kết quả giải quyết, xử lý một số vấn đề nổi cộm vừa qua. Trong đó có việc mất 37,5 ha rừng tại sân golf The Dàlat At 1200 (sân golf Đạ Ròn) của Công ty TNHH Acteam International; Tòa nhà CLB Golf của Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL; thu hồi Dinh I thuộc dự án King Palace của Công ty cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt.
Theo đó, đối với công trình Tòa Nhà câu lạc bộ Golf Đà Lạt, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Lâm Đồng, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng tập trung rà soát các căn cứ pháp lý để đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm, theo đúng quy định pháp luật đối với các vi phạm về xây dựng, đất đai tại hạng mục Tòa nhà câu lạc bộ Golf thuộc dự án Khu nghỉ mát Đà Lạt của Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL.
Sở Xây dựng báo cáo, đề xuất để UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và Báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị lần thứ 60.
Đối với vụ việc mất 37,5 ha rừng tại sân golf The Dàlat At 1200, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, rà soát xác định rõ nguyên nhân để mất rừng, thời điểm để mất rừng trên diện tích hơn 37,5 ha.
Trên cơ sở đó, yêu cầu chủ đầu tư bồi thường, khắc phục thiệt hại và xử lý nghiêm sai phạm tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật hoặc báo cáo, đề xuất hướng xử lý đến UBND tỉnh trước ngày 20/5/2024.
Đối với công trình Dinh I, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo nhiều sở ngành và UBND thành phố Đà Lạt yêu cầu Công ty cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt ngừng khai thác kinh doanh tại dự án “King Palace” và bàn giao tài sản, đất đai dự án “King Palace” cho UBND thành phố Đà Lạt quản lý.
Đồng thời, xây dựng phương án đấu giá quyền thuê, trình thẩm định, phê duyệt để tổ chức thực hiện đấu giá theo đúng quy định.
UBND tỉnh cũng giao UBND thành phố Đà Lạt tiếp nhận, quản lý tài sản, đất đai dự án “King Palace” sau khi được bàn giao; tổ chức bảo vệ, giữ gìn, không để xuống cấp hư hỏng, hoang hóa.
Cùng với đó, đề nghị Công ty cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt chấm dứt ngay việc khai thác, kinh doanh tại dự án “King Palace”; bàn giao tài sản, đất đai cho UBND thành phố Đà Lạt quản lý trước ngày 30/4/2024.
Thanh Hóa duyệt đồ án quy hoạch Khu công nghiệp 353ha
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyệt định phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Tượng Lĩnh.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch: thuộc địa giới hành chính xã Trường Minh, xã Thăng Bình và xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống. Ranh giới được giới hạn như sau: Phía Bắc giáp Trung tâm hỗn hợp quy hoạch; phía Nam giáp đường tỉnh 525 và đất cây xanh quy hoạch; phía Đông giáp đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn (Quốc lộ 47B) và cụm công nghiệp Tượng Lĩnh; phía Tây giáp đất cây xanh quy hoạch.
Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 353ha, với tính chất là khu công nghiệp có sử dụng công nghệ cao, ưu tiên các ngành nghề: lắp ráp linh kiện điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin...
Quy mô lao động khoảng 15.300 người.
Mục tiêu của quy hoạch là hình thành khu công nghiệp để thu hút đầu tư và nhu cầu của các nhà đầu tư, với việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kết nối với Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nông Cống nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Bố trí các loại hình công nghiệp phù hợp, hài hòa với tổng thể kiến trúc, đảm bảo yêu cầu về phòng chống cháy nổ, sử dụng đất đai hợp lý, bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Về cơ cấu sử dụng đất, trong 353ha, đất khu công nghiệp diện tích khoảng 344,05ha; đất ngoài khu công nghiệp diện tích khoảng 8,95ha.
Về tổ chức không gian, khu công nghiệp có diện tích khoảng 344,05ha được chia thành 2 khu: Khu A diện tích khoảng 217,52ha nằm phía Bắc kênh Nam sông Mực; Khu B diện tích khoảng 126,53ha nằm đối diện phía Nam kênh Nam sông Mực.
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt nhiệm vụ, dự toán khảo sát, lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Bắc Hoằng Hóa, huyện Hoằng Hóa.
Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 273,8 ha; Quy mô thành lập bản đồ địa hình lập quy hoạch khoảng 300,18ha. Quy mô lao động dự báo trong khu công nghiệp (KCN) khoảng 12.670 lao động.
Khu vực quy hoạch có tính chất là khu sản xuất trang thiết bị y tế, điện tử, sản xuất ô tô, xe máy, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp phụ trợ ngành may mặc, các dự án công nghiệp sử dụng công nghệ cao (không thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động như may mặc, da, giầy).
Doanh nghiệp mới thành lập muốn làm dự án KĐT hơn 2.000 tỷ đồng tại Thái Nguyên
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị Nam Thái.
Theo đó, Công ty CP Tư vấn xây dựng và Đầu tư phát triển Vạn Xuân là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Tư vấn xây dựng và Đầu tư phát triển Vạn Xuân được thành lập vào tháng 8/2023, trụ sở tại TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, đăng ký hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.
Người đại diện pháp luật công ty là ông Trần Mạnh Tiến (SN 1981).
Dự án Khu đô thị Nam Thái được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên kêu gọi đầu tư vào cuối tháng 3/2024. Dự án có diện tích 19,45ha; sơ bộ tổng chi phí thực hiện hơn 1.700 tỷ đồng; chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư khoảng 345 tỷ đồng.
Thời gian hoạt động của dự án không quá 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được Nhà nước quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất. Tiến độ thực hiện Dự án từ quý 1/2024 đến hết quý 4/2028.
Trước đó, vào đầu năm 2023, Khu đô thị Nam Thái (phần diện tích 24,46ha) với tên thương mại là Dự án Khu đô thị Quảng Trường (Square City) với tổng mức đầu tư là 2.250 tỷ đồng đã thuộc về Công ty cổ phần FECON.
Dự án nằm trên địa bàn phường Nam Tiến và phường Ba Hàng, TP. Phổ Yên, với quy mô gồm 573 lô đất ở liền kề, trong đó có 227 công trình nhà ở xây thô có mặt tiền tiếp giáp với các tuyến đường chính; dự kiến xây dựng 33 lô đất ở tái định cư (150m2/lô).
Theo kế hoạch, tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành từ nay đến hết năm 2026.
Bình Định chấm dứt dự án sản xuất ván gỗ hơn 4.300 tỷ tại thị xã Hoài Nhơn
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động dự án nhà máy sản xuất ván MDF, HDF và OKAL Bình Định tại khu phố Giao Hội 1, phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn của Công ty CP Lâm nghiệp Kim Thành Lập.
Được biết, lý do chấm dứt là nhà đầu tư tự quyết định chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án và các thủ tục có liên quan theo quy định.
Được biết, năm 2021, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà máy sản xuất ván MDF, HDF và OKAL Bình Định cho Công ty CP Lâm nghiệp Kim Thành Lập.
Dự án này được xây dựng tại khu phố Giao Hội 1 (phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn) với diện tích khoảng 45 ha, tổng vốn đầu tư 4.371 tỷ đồng.
Nhà máy sản xuất ván MDF, HDF và OKAL Bình Định có quy mô giai đoạn 1 gồm: Sản xuất 180.000 m3 ván dăm OKAL/năm; sản xuất 425.250 m3 sản phẩm ván gỗ/năm.
Lý giải về lý do chấm dứt hoạt động dự án, Công ty Lâm nghiệp Kim Thành Lập cho biết trong quá trình chuẩn bị các thủ tục để đầu tư dự án, doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, Cụm công nghiệp Giao Hội chưa có quyết định thành lập nên công tác giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật chưa được thực hiện. Đồng thời, tiền giải phóng mặt bằng tại thị xã Hoài Nhơn quá cao so với mặt bằng chung của tỉnh Bình Định.
Theo các nhà chuyên môn, dự kiến phải mất ít nhất từ 4-5 năm nữa, Cụm công nghiệp Giao Hội mới có thể xong. Công ty Lâm nghiệp Kim Thành Lập cho rằng việc dự án muốn triển khai thực hiện cũng mất từng đó năm.
Ngoài ra, những năm qua tình hình dịch bệnh kéo dài, suy thoái kinh tế. Vì vậy, doanh nghiệp này quyết định chấm dứt thực hiện dự án.