Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Bà Rịa - Vũng Tàu đã chấm dứt 180 dự án bất động sản chậm triển khai
Giá bán nhà ở xã hội tại TP HCM cao nhất là 20 triệu đồng/m2; Tập đoàn Danko 'trúng' dự án bất động sản hơn 3.600 tỷ đồng tại Thanh Hóa; Bắc Giang đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp; Đề xuất dừng triển khai dự án Làng Đại học Đà Nẵng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam… là những tin tức bất động sản nổi bật trong tuần qua.
Bà Rịa - Vũng Tàu đã chấm dứt 180 dự án bất động sản chậm triển khai
Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ năm 2014 đến nay, đã có khoảng 180 dự án bất động sản chậm triển khai đã bị chấm dứt đầu tư.
Điển hình là dự án khu du lịch Thủy Hoàng - Bến Cát tại xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) bị Bà Rịa - Vũng Tàu “tuýt còi” hồi tháng 5.
Một dự án khác cũng chậm đưa đất vào sử dụng đang bị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu rà soát và đề xuất phương án xử lý là khu biệt thự Sài Gòn - Hồ Tràm. Trước đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng đã có văn bản gửi Sở Xây dựng đề nghị chấm dứt hiệu lực pháp lý chủ trương đầu tư dự án này.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ký ban hành quyết định hủy bỏ quy hoạch 1/500 đối với dự án khu biệt thự Ngân Hiệp và khu biệt thự Ngân Sơn tại xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc). Khu biệt thự Ngân Hiệp do Công ty Cổ phần Địa ốc Ngân Hiệp làm chủ đầu tư với diện tích diện tích 2,52ha.
Khu biệt thự và khu du lịch Ngân Sơn tại xã Phước Thuận có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ năm 2003, do Công ty TNHH Thương mại Ngân Sơn làm chủ đầu tư với diện tích 13,05ha, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa triển khai cũng vừa bị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hồi.
Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản gửi các sở ban ngành và huyện Đất Đỏ về thực hiện kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về việc thu hồi dự án trung tâm đào tạo thực hành du lịch nhà hàng khách sạn và thể thao biển do Trường đại học Tôn Đức Thắng làm chủ đầu tư.
Theo đó, tỉnh giao Sở Tài nguyên - Môi trường và huyện Đất Đỏ rà soát, giải quyết các thủ tục theo thẩm quyền và quy định để thực hiện thu hồi dự án trên theo kiến nghị của Ban Thường vụ Huyện ủy Đất Đỏ; báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch - Đầu tư) trước ngày 30/6.
Tỉnh giao Sở Kế hoạch - Đầu tư là cơ quan đầu mối chủ trì, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các thủ tục và tham mưu cho tỉnh phương án thu hồi dự án nêu trên; định kỳ hằng tháng cập nhật, báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh tình hình, kết quả thực hiện hoặc khi có yêu cầu.
Giá bán nhà ở xã hội tại TP HCM cao nhất là 20 triệu đồng/m2
Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Hoàng Quân vừa báo cáo Bí thư Thành ủy TP HCM về tình hình thực hiện các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn.
Theo đó, từ tháng 10/2020 đến nay thành phố triển khai 10 dự án NƠXH và nhà lưu trú công nhân. Trong đó, 1 dự án NƠXH đã đưa vào sử dụng tại TP Thủ Đức với quy mô 260 căn, 7 dự án NƠXH đang thi công (4 dự án độc lập và 3 dự án sử dụng quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại) với quy mô 4.167 căn, 2 dự án nhà cho công nhân thuê với quy mô 1.400 căn.
Theo Sở Xây dựng, giá bán NƠXH khoảng 14-20 triệu đồng/m2.
Sở Xây dựng cho rằng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án NƠXH rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được.
Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10 ha, tuy đã xác định quỹ đất 20% xây dựng NƠXH nhưng chủ đầu tư dự án chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên chưa thực hiện đầu tư xây dựng NƠXH.
Chưa có quy định pháp luật hướng dẫn việc hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quỹ đất ở 20% để xây dựng NƠXH.
Nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện đầu tư dự án NƠXH, cho các đối tượng được hưởng chính sách NƠXH vay mua nhà chưa ổn định.
Theo quy định, các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% số căn hộ của dự án để cho thuê, sau 5 năm mới được bán. Việc này làm chậm thu hồi vốn, dẫn đến kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Các bước thủ tục đầu tư dự án NƠXH còn phức tạp do đó chưa thu hút nhà đầu tư tham gia.
Về giải pháp trong thời gian tới, Sở Xây dựng cho rằng cần cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, rõ ràng, công khai trong giải quyết hồ sơ NƠXH; rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án.
Tập đoàn Danko "trúng" dự án bất động sản hơn 3.600 tỷ đồng tại Thanh Hóa
Ngày 28/6, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định số 2275/QĐ-UBND chấp thuận cho CTCP Tập đoàn Danko là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Tây Nam đại lộ Nam sông Mã 1, thuộc địa phận phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa.
Theo đó, dự án có tổng diện sử dụng đất khoảng 23,4ha với tổng số vốn đầu tư khoảng 3.602 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của chủ đầu 541 tỷ đồng còn lại hơn 3.000 tỷ đồng là vốn huy động từ các nguồn khác.
Dự án trên tọa lạc tại phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa), với phía Đông Bắc giáp đại lộ Nam sông Mã; phía Tây Nam giáp khu dân cư hiện trạng; phía Đông Nam giáp đường vành đai số 3 TP Thanh Hóa theo quy hoạch; phía Tây Bắc giáp khu dân cư hiện trạng và đường giao thông.
Tiến độ thực hiện dự án từ quý II/2022 đến quý I/2027. Cụ thể, giai đoạn quý II/2022 - quý III/2023 sẽ thực hiện hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án; quý IV/2023 - quý IV/2026 hoàn thành đầu tư xây dựng dự án; quý I/2027 hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quyết toán dự án.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo quy định tại dự án này, nhà đầu tư phải xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở và các công trình khác... Trong đó, cơ cấu sản phẩm nhà ở khoảng 422 căn (gồm: 350 căn liền kề, 72 căn biệt thự) xây thô, hoàn thiện mặt trước. Quỹ đất phát triển nhà ở xã hội khoảng 16.522,4m2. Tổng quy mô dân số dự kiến khoảng 1.700 người.
Để thực hiện dự án, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thỏa thuận đảm bảo theo quy định; triển khai thực hiện dự án theo đúng chủ trương đầu tư được chấp thuận và các quy định có liên quan của pháp luật; chỉ được triển khai thi công xây dựng dự án sau khi hoàn thành đầy đủ các hồ sơ, thủ tục theo quy định.
Bắc Giang đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã có chỉ đạo các địa phương có KCN mới hình thành và mở rộng dồn lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm lộ trình đề ra.
Thông tin từ Ban Quản lý Các KCN tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có 8 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó 5 KCN đi vào hoạt động gồm: Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu (Việt Yên), Song Khê - Nội Hoàng (Yên Dũng, TP Bắc Giang); KCN Hòa Phú (Hiệp Hòa). Cơ bản các KCN trên đã được lấp đầy, thiếu quỹ đất sạch thu hút đầu tư mới.
Để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB các KCN mới thành lập như: Tân Hưng (Lạng Giang), Yên Lư (Yên Dũng) và KCN Việt Hàn (Việt Yên), KCN Hòa Phú (mở rộng). Cuối tháng 11 năm ngoái, KCN Tân Hưng được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng, quy mô hơn 105 ha thuộc địa bàn các xã: Xương Lâm và Tân Hưng.
Công ty cổ phần Lideco 1 (Hà Nội) là chủ đầu tư. Ngay sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập KCN này, chỉ đạo huyện Lạng Giang phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, người dân thực hiện GPMB.
Theo lãnh đạo UBND huyện Lạng Giang, đến nay huyện Lạng Giang đã GPMB được 102,9 ha, trong đó UBND tỉnh đã cho thuê đất đợt đầu 72,6 ha. Tiến độ GPMB KCN Tân Hưng đáp ứng yêu cầu đề ra. Đối với phần diện tích còn lại, huyện yêu cầu các phòng liên quan và chính quyền xã tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận để bàn giao mặt bằng xong trong năm nay.
Tại KCN Việt Hàn, đến nay huyện Việt Yên đã GPMB được 49,5/50 ha, đạt 99% tổng diện tích. Phần còn lại chưa GPMB liên quan đến 13 hộ có mộ cần di dời. Đại diện lãnh đạo huyện Việt Yên cho biết, trong số này có hộ chưa có quỹ đất di dời mộ và chưa đồng thuận di dời. Địa phương đang tháo gỡ vướng mắc, vận động các hộ di chuyển mộ ra khỏi diện tích đất công nghiệp. Chủ đầu tư san lấp mặt bằng 43/46 ha đất được thuê, phấn đấu thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật để đưa KCN vào hoạt động, thu hút nhà đầu tư vào tháng 9 năm nay.
Tại huyện Yên Dũng bắt tay ngay vào việc GPMB KCN Yên Lư quy mô 377 ha ngay sau khi được phê duyệt. Theo lộ trình, giai đoạn 1 địa phương GPMB 163 ha đất thuộc các thôn: Yên Hồng, Yên Tập Bắc, Yên Tập, Yên Tập Bến, Long Trùng Vân xong trước ngày 30/9 năm nay.
Đề xuất dừng triển khai dự án Làng Đại học Đà Nẵng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
UBND thị xã Điện Bàn, vừa có báo cáo số 160/BC-UBND về việc tổng hợp, rà soát, đánh giá thực trạng một số nội dung liên quan đến dự án Làng Đại học Đà Nẵng trên địa phận thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
UBND thị xã Điện Bàn cho biết, dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt triển khai từ năm 1997 với tổng diện tích gần 300ha.
Trong đó có khoảng 110ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và gần 190ha thuộc 04 khối phố: Câu Hà, Tứ Hà, Ngọc Vinh và Tứ Ngân của phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn.
Tuy nhiên, đến nay đã 23 năm từ ngày Chính phủ công bố quy hoạch, dự án chỉ mới triển khai được một phần thuộc địa giới thành phố Đà Nẵng với quy mô 110 ha (tại tỉnh Quảng Nam chưa được thực hiện ngoài 1,02 ha để tái định cư cho đường bao ranh giới dự án Đại học Đà Nẵng).
UBND thị xã Điện Bàn cho biết, việc dự án kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, công tác quản lý an ninh, trật tự xã hội, xây dựng tại địa phương…
Do đó, để UBND tỉnh có cơ sở đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND thị xã Điện Bàn tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng một số nội dung liên quan đến dự án Làng Đại học Đà Nẵng trên địa phận thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, về công tác giải phóng mặt bằng, theo quy hoạch, dự án Làng Đại học có khoảng 190ha thuộc địa phận thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, qua kiểm tra, rà soát thì dự án phần lớn ảnh hưởng đến đất ở và nhà ở của nhân dân (tỷ lệ đất ở bị ảnh hưởng chiếm khoảng 41% tổng diện tích đất dự án) dẫn đến chi phí bồi thường tăng cao và rất khó khăn, phức tạp trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư (số lô dự kiến bố trí tái định cư cho dự án quá lớn trong khi quỹ đất tái định cư trên địa bàn thị xã không đảm bảo).
Như vậy, việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án cơ bản không khả thi.
Tuy nhiên, qua khảo sát, trong khu vực dự án Làng Đại học có khoảng diện tích 50ha có khả năng thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng.
Từ thực tiễn nêu trên, UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho toàn bộ 160 ha dự án Làng Đại học Đà Nẵng trên địa phận thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là không khả thi.
Do đó, để đảm bảo giải quyết tình hình quản lý hiện trạng, an ninh trật tự tại khu vực, UBND thị xã Điện Bàn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương dừng triển khai thực hiện dự án Làng Đại học Đà Nẵng trên địa phận thị xã Điện Bàn.
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/