Tin công nghệ 25-9: Samsung Galaxy S24 FE bị rò rỉ trước ngày ra mắt
Tin công nghệ 25-9 sẽ có các nội dung như Samsung Galaxy S24 FE bị rò rỉ trước ngày ra mắt, Intel trình làng vi xử lý tích hợp AI, OpenAI giới thiệu chế độ giọng nói nâng cao cho ChatGPT, One Mount Group bắt tay hợp tác với OutSystems, công cụ sửa thông tin sai lệch do AI tạo ra.
1. Samsung Galaxy S24 FE bị rò rỉ trước ngày ra mắt
Samsung Galaxy S24 FE (Fan Edition) là phiên bản hướng đến người dùng muốn trải nghiệm các tính năng cao cấp của dòng Galaxy S nhưng với mức giá phải chăng hơn.
Dự kiến, Galaxy S24 FE sẽ được ra mắt chính thức vào ngày 26-9, tuy nhiên, trên Internet đã xuất hiện video đập hộp và trang đặt hàng trước sản phẩm tại Hoa Kỳ (hiện đã bị gỡ bỏ).
Theo thông tin rò rỉ, Galaxy S24 FE sẽ có giá 649,99 đô la cho phiên bản 128 GB và 709 đô la cho phiên bản 256 GB. Máy dự kiến sẽ có màn hình SuperAMOLED Full HD 120 Hz 6,7 inch, sử dụng vi xử lý Exynos 2400e, RAM 8 GB, camera chính 50 MP khẩu độ F/1.8, camera góc siêu rộng 12 MP, camera tele 8 MP (hỗ trợ zoom quang 3x) và camera selfie 10 MP.
Galaxy S24 FE sẽ có pin 4.565 mAh, đi kèm với bản cập nhật One UI 6.1 (dựa trên Android 14). Tương tự như Galaxy S24 và S24+ và S24 Ultra, Galaxy S24 FE sắp ra mắt được cho là sẽ có các tính năng Galaxy AI như Portrait Studio, Generative Edit, Circle to Search, Sketch to Image, Live Translate…
2. Intel trình làng vi xử lý tích hợp AI
Intel vừa ra mắt các giải pháp AI mới với hai sản phẩm chính: Xeon 6 và Gaudi 3, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hạ tầng AI hiệu suất cao và chi phí hợp lý.
Xeon 6 với nhân P-core mạnh mẽ, mang lại hiệu suất gấp đôi so với thế hệ trước và tích hợp khả năng tăng tốc AI trong từng nhân. Vi xử lý này phù hợp cho các ứng dụng từ thiết bị biên đến trung tâm dữ liệu và môi trường đám mây, đảm bảo hiệu suất và hiệu quả năng lượng cao.
Trong khi đó, Gaudi 3 là bộ tăng tốc AI được tối ưu cho các mô hình AI tạo sinh (Gen AI) quy mô lớn, hỗ trợ 64 nhân xử lý Tensor, cùng với bộ nhớ HBM2e 128 GB.
Intel hiện cũng đang hợp tác với các đối tác như Google Cloud và IBM để cung cấp giải pháp AI mạnh mẽ với tổng chi phí sở hữu (TCO) thấp hơn, giúp doanh nghiệp triển khai AI một cách hiệu quả.
3. OpenAI ra mắt chế độ giọng nói nâng cao cho ChatGPT
OpenAI vừa triển khai chế độ giọng nói nâng cao (AVM) cho nhóm khách hàng trả phí (gói Plus và Teams) của ChatGPT, giúp công cụ này giao tiếp tự nhiên hơn. Tuy nhiên, AVM hiện chưa có sẵn ở một số khu vực, bao gồm EU, Vương quốc Anh, Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy và Liechtenstein.
Kể từ lúc này, người dùng sẽ thấy xuất hiện một cửa sổ bật lên trong ứng dụng ChatGPT, bên cạnh biểu tượng giọng nói. Tính năng này được thể hiện bằng một quả cầu hoạt hình màu xanh lam, thay thế cho các chấm đen mà OpenAI đã giới thiệu vào tháng 5.
Ngoài ra, ChatGPT còn được bổ sung năm giọng nói mới mà bạn có thể thử, bao gồm Arbor, Maple, Sol, Spruce và Vale. Điều này nâng tổng số giọng nói của ChatGPT lên chín (gần bằng với Gemini Live của Google), cùng với Breeze, Juniper, Cove và Ember.
4. One Mount Group bắt tay hợp tác với OutSystems
Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thị trường nhân tài công nghệ, dự kiến đến năm 2025, mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hụt hơn 150.000 lập trình viên, One Mount Group đã hợp tác với OutSystems nhằm ứng phó thách thức về nguồn lực, cũng như nâng cao năng lực phát triển của công ty.
One Mount Group hiện đang hoạt động trong các ngành dịch vụ tài chính, phân phối, bất động sản và bán lẻ, với các ứng dụng tiêu dùng như VinShop, OneU (trước đây là VinID) và OneHousing.
Ông Phan Anh Sơn, Giám đốc Kỹ thuật One Mount Group, cho biết việc áp dụng công nghệ mới giúp công ty làm việc hiệu quả và linh hoạt hơn, tạo nền tảng để phát triển các sản phẩm có tác động tích cực đến cuộc sống người Việt.
5. Công cụ sửa thông tin sai lệch do AI tạo ra
Nhiều thông tin do AI cung cấp hoàn toàn sai lệch, nhưng Microsoft cho biết họ đã có cách khắc phục điều đó.
Công ty vừa trình làng Correction, một dịch vụ cố gắng tự động sửa các thông tin sai lệch do AI tạo ra. Đầu tiên, công cụ này sẽ đánh dấu các văn bản có thể sai sót, ví dụ, bản tóm tắt cuộc gọi thu nhập hàng quý có thể trích dẫn sai, sau đó kiểm tra bằng cách so sánh với nguồn thông tin đáng tin cậy (ví dụ, bản ghi chép đã tải lên).
Correction hiện là một phần của Microsoft Azure AI Content Safety API, có thể sử dụng với bất kỳ mô hình AI tạo văn bản nào, bao gồm Llama của Meta và GPT-4o của OpenAI .
Google đã giới thiệu một tính năng tương tự vào mùa hè này trong Vertex AI, cho phép khách hàng xây dựng các mô hình bằng cách sử dụng dữ liệu từ các nhà cung cấp bên thứ ba, tập dữ liệu của riêng họ hoặc Google tìm kiếm. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng những phương pháp tiếp cận này không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của việc sai lệch thông tin.