Tin Công Thương 28/5: Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU duy trì đà tăng trưởng

Ngày 28/5, báo chí đưa nhiều thông tin liên quan đến ngành Công Thương. Báo Công Thương xin điểm lại một số thông tin đáng chú ý.

Lĩnh vực năng lượng

Báo Nhân dân điện tử hôm nay ngày 28/5 đăng tải thông tin: "Dự kiến đào tạo gần 4.000 nhân lực cho hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận".

Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân đến năm 2035”. Theo kế hoạch, đến năm 2030, sẽ đào tạo gần 4.000 nhân lực phục vụ nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.

Cụ thể, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 dự kiến sử dụng khoảng 1.920 nhân lực, trong khi nhà máy Ninh Thuận 2 cần khoảng 1.980 người. Hơn 50% trong số này là đội ngũ kỹ sư và cử nhân, phần còn lại có trình độ cao đẳng. Trong khuôn khổ đề án, 670 nhân sự sẽ được đào tạo trình độ đại học và sau đại học tại các cơ sở đào tạo nước ngoài. Đối tượng được ưu tiên cử đi đào tạo bao gồm sinh viên đã tốt nghiệp đại học thuộc các nhóm ngành liên quan, có cam kết về phục vụ 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo từng giai đoạn cụ thể.

Ngoài ra, sinh viên năm nhất và năm hai từ các trường đại học trong nước cũng có cơ hội tham gia đào tạo quốc tế nếu có đủ điều kiện và cam kết rõ ràng. Đề án cũng chú trọng bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn các kỹ năng chuyên sâu về quản trị và hoạt động của nhà máy điện hạt nhân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia đang quản lý ở các bộ, ngành và đang làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân ở các cơ sở đào tạo và nghiên cứu (khoảng 700 lượt người). Đồng thời, cập nhật kiến thức cho các giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên hiện đang làm công tác giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu, trường cao đẳng có đào tạo các chuyên ngành điện hạt nhân (khoảng 450 người).

Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh đăng tin: "Tổng công ty Điện lực miền Nam nói gì về kiến nghị bỏ các tổng công ty điện lực?"

Tổng công ty Điện lực miền Nam vừa có báo cáo gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo yêu cầu của Bộ Tài chính liên quan đến đơn kiến nghị của công dân. Theo kiến nghị của công dân ghi địa chỉ tại tỉnh Bình Định: “Với chủ trương sáp nhập tỉnh thì số lượng các tỉnh thành sẽ còn khoảng 50% nên việc giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh cho các công ty điện lực tỉnh sẽ thuận lợi cho EVN. Kết thúc hoạt động của các tổng công ty điện lực miền để tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối quản lý điều hành, giảm khâu trung gian nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm giá thành điện thật sự cần thiết và cấp bách không thể để muộn hơn”.

Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Nam, mô hình các tổng công ty điện lực miền đã và đang đóng vai trò trụ cột trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục và an toàn trên phạm vi toàn quốc. Mô hình này với cấu trúc phân cấp theo khu vực địa lý đã chứng minh được hiệu quả trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tổng công ty Điện lực miền Nam là đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành và đầu tư phát triển hệ thống lưới điện phân phối, bán lẻ điện, đưa điện đến từng hộ gia đình, doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam.

Việc duy trì mô hình này là yếu tố then chốt để đảm bảo an ninh cung cấp điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Bên cạnh đó, Tổng công ty còn thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng như cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, hải đảo, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. “Việc giải thể hoặc thay đổi lớn mô hình hoạt động của các tổng công ty sẽ gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong quá trình đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả các dự án và an ninh năng lượng” - Tổng công ty Điện lực miền Nam khẳng định.

Lĩnh vực xuất nhập khẩu

Báo Nhân dân điện tử đăng tin:"Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU duy trì đà tăng trưởng"

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, về thị trường tiêu thụ, xuất khẩu cá tra sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 9%, với giá trị đạt 16 triệu USD trong tháng 4. Hà Lan vẫn là quốc gia nhập khẩu nhiều và ổn định nhất các sản phẩm cá tra Việt Nam trong khối. Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Hà Lan đạt 17 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tiếp tục khẳng định là thị trường tiêu thụ cá tra số 1 của Việt Nam. Riêng trong tháng 4, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt hơn 44 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) trong 4 tháng đầu năm đạt hơn 149 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ.

VASEP nhận định, để chủ động ứng phó biến động thương mại toàn cầu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần tiếp tục tranh thủ đẩy mạnh xuất hàng. Đồng thời tích cực đa dạng hóa thị trường, mở rộng xuất khẩu các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá rô phi, cá diêu hồng.

Brazil duy trì là thị trường đơn lẻ tiêu thụ mạnh các sản phẩm cá tra đến từ Việt Nam, nhất là sản phẩm cá tra phi-lê đông lạnh.

Brazil duy trì là thị trường đơn lẻ tiêu thụ mạnh các sản phẩm cá tra đến từ Việt Nam, nhất là sản phẩm cá tra phi-lê đông lạnh.

Báo Tin tức đưa tin:"New Zealand và Việt Nam tăng cường hợp tác xuất khẩu gỗ".

Theo phóng viên tại châu Đại Dương, mới đây Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay công bố Thỏa thuận hợp tác mới giữa New Zealand và Việt Nam nhằm tăng trưởng xuất khẩu gỗ và xóa bỏ các rào cản thương mại tiềm tàng đối với ngành lâm nghiệp giữa hai nước.

Thỏa thuận này sẽ cho phép gỗ thông radiata của New Zealand được công nhận theo tiêu chuẩn xây dựng gỗ đang thay đổi của Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hơn tại thị trường đang phát triển này.

Bộ trưởng Todd McClay cho rằng, thỏa thuận sẽ làm tăng kim ngạch thương mại hai chiều trị giá 2,68 tỷ NZD (1,59 tỷ USD) giữa Việt Nam và New Zealand và thúc đẩy đáng kể lượng gỗ xẻ trị giá 48 triệu NZD mà New Zealand đang xuất khẩu vào Việt Nam. Theo ông, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua và dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng thu nhập nhanh nhất toàn cầu trong tương lai. Điều đó có nghĩa là nhiều công trình xây dựng hơn, nhu cầu về các sản phẩm bền vững hơn và nhiều cơ hội hơn cho gỗ của New Zealand.

Thỏa thuận trên làm tăng giá trị cho các sản phẩm gỗ của New Zealand và mang lại nhiều cơ hội ngoài việc xuất khẩu gỗ tròn, thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu và giúp tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu của New Zealand trong 10 năm.

Lĩnh vực thị trường trong nước

Báo Đại đoàn kết đưa tin: "Thị trường đồ chơi 1/6: Sản phẩm thương hiệu, đủ thông tin xuất xứ được ưa chuộng".

Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hàng năm là thời điểm cao điểm của ngành hàng đồ chơi, khi nhu cầu tiêu dùng tăng, đặc biệt trong phân khúc quà tặng trẻ em. Tuy nhiên, thị trường đồ chơi năm nay chứng kiến một sự chuyển mình rõ rệt.

Hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc gần như biến mất khỏi các kênh phân phối công khai. Thay vào đó, các sản phẩm có thương hiệu, được kiểm định và công bố đầy đủ thông tin xuất xứ đang chiếm lĩnh thị trường.

Thống kê không chính thức từ một số đơn vị phân phối lớn tại Hà Nội cho thấy, năm nay sức mua đồ chơi không giảm so với các năm trước, nhưng thị trường đã “thay da đổi thịt”. Sự vắng bóng của các sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, vốn từng chiếm tỉ trọng lớn ở các chợ truyền thống và sàn thương mại điện tử, đã mang lại sự an tâm đáng kể cho người tiêu dùng.

Báo Công Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tin-cong-thuong-285-xuat-khau-ca-tra-sang-thi-truong-eu-duy-tri-da-tang-truong-389763.html