Hơn 2 triệu tín đồ Hồi giáo tập trung tại ngọn núi thiêng Arafat ở Saudi Arabia để cầu nguyện vào ngày 10/8, theo hãng tin AP. Đây là ngày cao điểm của hoạt động hành hương thường niên (hajj) tới thánh địa Mecca, một địa điểm linh thiêng với những người theo đạo Hồi.
Trong bóng tối khi mặt trời chưa lên, nước mắt lăn trên má một số người hành hương đang giơ tay cầu nguyện. Họ đứng trên sườn đồi nơi nhà tiên tri Muhammad thuyết giảng lần cuối khoảng 1.400 năm trước, kêu gọi hòa bình và đoàn kết giữa người Hồi giáo.
Hajj là lễ hành hương lớn nhất thế giới, và ngày thứ hai của hajj trên núi Arafat, hay còn được gọi là "núi nhân từ", là ngày đáng nhớ nhất đối với nhiều tín đồ. Họ đứng ngay sát những người Hồi giáo khác từ khắp thế giới, tất cả được coi là bình đẳng trước thánh Allah, và cùng cầu nguyện phước lành, tài lộc, sức khỏe và sự tha thứ.
AP dẫn số liệu từ giới chức Saudi Arabia cho hay hơn 1,8 triệu người từ hơn 160 nước đã đến Mecca để hành hương năm nay, bên cạnh khoảng 200.000 người là công dân hoặc người cư trú tại Saudi Arabia.
Những người hành hương tranh thủ chợp mắt trên núi Arafat. Lịch Hồi giáo dựa theo chu kỳ mặt trăng nên thời điểm diễn ra hajj trong năm không cố định, và có những năm hajj rơi vào mùa hè với cái nóng trên 38 độ C.
Hai người hành hương ôm nhau chúc mừng vì đã đến được Mecca. Đây là một trong những điều bắt buộc thực hiện ít nhất một lần trong đời với tín đồ Hồi giáo, nếu họ có đủ sức khỏe và điều kiện tài chính để thực hiện chuyến đi gian khó này.
Nhiều tín đồ đã tiết kiệm tiền suốt nhiều năm cho chuyến hành hương kéo dài 5 ngày. Tới nơi, họ thăm những điểm thiêng liêng nhất và thực hiện các thánh lễ có truyền thống hàng nghìn năm.
Người hành hương cao tuổi nhất năm nay là cụ bà Noah Lanai 103 tuổi từ Thái Lan, theo truyền thông nhà nước Saudi Arabia. Cụ bà đi cùng con trai, và nói với báo chí địa phương rằng bà đã mơ ước được cầu nguyện ở Mecca từ lâu.
Các tín đồ cầu nguyện trước tường đá nơi họ tin rằng nhà tiên tri Muhammad đã thuyết giảng. Người Hồi giáo coi hajj là cơ hội xám hối và rửa sạch tội lỗi, cũng là dịp để cầu nguyện cho đoàn kết và hòa bình giữa các tín đồ. Trên thế giới, mâu thuẫn đẫm máu vẫn diễn ra ở các nước Hồi giáo như Syria, Yemen và Libya, và các cộng đồng Hồi giáo thiểu số trên khắp thế giới vẫn đang chịu nhiều đe dọa.
Một người hành hương đang chụp selfie. “Tôi cầu chúc điều tốt đẹp nhất cho mọi người, và hy vọng Syria bình thường trở lại”, người hành hương khác, công dân Syria tên Ahmad Wahid, nói khi đang lên núi Arafat.
Trọng Thuấn
Ảnh: AP