Tín đồ Tin Lành góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và đô thị văn minh, tín đồ Tin Lành luôn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Các tổ chức Tin Lành đã tích cực tham gia làm cầu, đường giao thông, xây nhà tình thương, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh… Tại nhiều địa phương, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành Tin Lành còn tham gia hiến hàng nghìn mét đất cùng nhiều ngày công lao động để nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở... Đóng góp của tín đồ Tin Lành trong xây dựng NTM không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của tôn giáo, mà còn tạo lập sự ổn định và làm nên sự gắn kết, sức mạnh nội tại trong cộng đồng tôn giáo, khẳng định vị trí của tôn giáo trong đời sống xã hội và phát triển đất nước.
Phát triển sản xuất gắn với xây dựng NTM
Tại tỉnh Cà Mau, nhà thờ Tân Đức được thành lập khoảng 80 năm. Đây là nơi sinh hoạt thường xuyên của hơn 100 tín đồ theo đạo Tin Lành trên địa bàn 2 ấp Tân Đức và Tân Đức A.
Tín đồ theo đạo Tin Lành trên địa bàn luôn phấn khởi, tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền địa phương, tham gia hoạt động tôn giáo đúng pháp luật, tích cực lao động sản xuất, góp phần vào quá trình xây dựng NTM của địa phương.
Gia đình anh Huỳnh Văn Hóa, ngụ xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi là tín đồ theo đạo Tin Lành nhiều năm nay. Với bản chất siêng năng, cần cù, hơn 40 công đất nuôi tôm quảng canh, gia đình anh nhiều năm trúng mùa và có thu nhập ổn định. Nhưng nhận thấy phong trào nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển mạnh và đạt hiệu quả kinh tế cao, anh Hóa mạnh dạn đầu tư 1 ao nuôi. Qua 3 vụ nuôi, anh thu lãi hơn 900 triệu đồng. Ngoài ra, vợ anh Hóa là chị Dương Thị Hồng Phương cũng là Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất nha đam và chả tôm, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động nữ nhàn rỗi tại địa phương.
Anh Huỳnh Văn Hóa cho biết: “Ngày nay, được Nhà nước tạo điều kiện cho người dân tự do tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo, ai cũng vui mừng. Bà con nơi đây luôn thực hiện tốt các điều răn dạy của Chúa, thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng nhau thi đua lao động sản xuất, chăn nuôi, để trở thành công dân tốt, người có đạo tốt”.
Mục sư quản nhiệm Nhà thờ Tân Đức Nguyễn Chí Tâm cho biết: “Thời gian qua, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện cho tín đồ và nhà thờ hoạt động. Về phía chúng tôi luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, luôn nhắc nhở tín đồ thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào do địa phương phát động”.
Chủ tịch UBND xã Tân Đức Lê Quốc Đoàn cho biết: “Nhìn chung đời sống của những người theo đạo Tin Lành trên địa bàn xã Tân Đức ngày càng được nâng lên đáng kể. Hiện nay, tín đồ theo đạo Tin Lành trên địa bàn ấp Tân Đức A không còn hộ nghèo. Hàng năm, các điểm nhóm tôn giáo đều đăng ký với chính quyền địa phương về chương trình hoạt động tôn giáo và kế hoạch tổ chức các lễ hội theo quy định. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững và ổn định. Đồng bào theo đạo Tin Lành luôn thực hiện tốt việc phát triển kinh tế - xã hội, tích cực tham gia xây dựng NTM, đóng góp tiền, ngày công xây dựng lộ giao thông nông thôn, xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Tích cực tham gia kinh tế HTX
Hiện nay, tín đồ Tin Lành luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng hành cùng các cấp, các ngành vận động đồng bào có đạo, các tín đồ, chức sắc tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh tại địa phương.
Các vị chức sắc đã tham gia hoạt động tích cực trong hệ thống Mặt trận các cấp, các tổ chức tôn giáo, các vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc đã vận động tín đồ thực hiện tốt các phong trào ở địa phương như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; vận động quỹ “Vì người nghèo”, quỹ "Đền ơn đáp nghĩa”, tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Các chức sắc cũng đã vận động tín đồ phát huy truyền thống yêu nước của đồng bào có đạo, tích cực vận động con em các tôn giáo sẵn sàng tham gia các mô hình phát triển kinh tế, mô hình HTX, tổ hợp tác.
Tiêu biểu như tại tỉnh Gia Lai, có HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar, xã Glar, huyện Đăk Đoa đã sản xuất ra nhiều sản phẩm tiêu thụ trên thị trường. Từ đó, giúp người dân, bà con tín hữu Tin lành có thêm công ăn việc làm và nâng cao thu nhập những lúc nông nhàn.
HTX được thành lập từ năm 2006, đến nay đã thu hút được hơn 300 chị em, tín hữu trên địa bàn xã tham gia dệt thổ cẩm. Điều này đã giúp các chị em, tín hữu giải quyết được nhu cầu việc làm trong những ngày nông nhàn, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Hiện nay, sản phẩm của HTX đã được công nhận là OCOP 3 sao và đó cũng là động lực để người dân tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Hay như tại HTX lúa Ea Súp và HTX xoài Ea Súp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã áp dụng kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, năng suất và chất lượng cây trồng được tăng lên, hiệu quả từ phát triển nông nghiệp bền vững, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 4-5%; đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng được cải thiện. Đây chính là động lực quan trọng để chính quyền và nhân dân Ea Súp giữ vững các tiêu chí NTM đã đạt được, nâng cao chất lượng các tiêu chí và phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao trong giai đoạn 2021-2025.
Đoàn kết xây dựng quê hương
Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, thời gian qua, được sự đồng lòng của nhân dân, cùng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các địa phương đã huy động rất nhiều nguồn lực để nâng cấp, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, mở rộng nhiều tuyến đường trên địa bàn.
Chính quyền, nhân dân và các tín hữu Tin lành xác định xây dựng NTM là chủ trương đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, nên đã chỉ đạo vận động toàn dân chung tay thực hiện xây dựng NTM dưới nhiều hình thức.
Công tác phát triển kinh tế HTX ngày càng được chú trọng, khu vực kinh tế tập thể, HTX từng bước được củng cố. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX đa dạng hơn, bước đầu tạo được hiệu quả, hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển.
“Sự ra đời của các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho các lao động nhàn rỗi ở nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, góp phần hiệu quả vào tiêu chí số 13 trong xây dựng NTM”, ông Ngô Trường Sơn cho hay.
Còn theo bà Thiều Thị Hương, Trưởng phòng Tin Lành, Ban Tôn giáo Chính phủ, kinh tế tập thể, HTX đã trở thành “bà đỡ” cho kinh tế hộ phát triển, nhiều HTX đã góp phần không nhỏ trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân địa phương. Đóng góp về thu nhập của các HTX cao hơn so với kinh tế cá thể, tiểu chủ. Nhiều lao động theo Tin Lành được theo học ở các ngành nghề khác nhau.
“Hằng năm, các tổ chức Tin lành đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện nhân đạo, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng NTM địa phương”, bà Thiều Thị Hương chia sẻ.