Tín dụng bật đà tăng
Các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, lãi suất giảm. Nhiều yếu tố hỗ trợ để tín dụng tăng tốc cuối năm.
Tính đến cuối tháng 9/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,09%. Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 9/2020, tín dụng đã tăng 1,34%, gần gấp đôi tốc độ tăng của tháng 8/2020.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trong điều kiện dịch được kiểm soát tốt như hiện nay và các doanh nghiệp có sự hồi phục, xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ tiếp tục cải thiện, thì tăng trưởng dư nợ tín dụng năm nay có thể đạt 8 - 10%.
Trong khi đó theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), sau 6 tháng tăng trưởng thấp, trong quý III/2020, tín dụng của cả nền kinh tế đã có những dấu hiệu khởi sắc, tích cực.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã hồi phục dần từ tháng 7 với tốc độ tăng trưởng đạt 4,03%, tháng 8 tăng 4,75% và tính chung 9 tháng, tín dụng tăng 6,09% so với cuối năm 2019 và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Có thể nói cộng đồng doanh nghiệp đang dần tái hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Trong đó, sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương.
Trong tháng 10/2020, thương mại trong nước tiếp tục xu hướng tăng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã được nới room tín dụng để tạo dư địa tăng trưởng tín dụng. Cũng trong thời gian này, các ngân hàng đang nỗ lực khai thác các mảng khách hàng để tăng lợi nhuận.
Đại diện một ngân hàng cho biết, trong bối cảnh tín dụng sản xuất còn ngập ngừng như hiện nay, đẩy mạnh bán lẻ là giải pháp mà mọi ngân hàng đưa ra.
Dĩ nhiên, các ngân hàng vẫn luôn chú trọng sản phẩm cho sản xuất, kinh doanh truyền thống. Một số ngân hàng khác cũng chuyển hướng sang tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu để doanh nghiệp tận dụng Hiệp định EVFTA.
Thông qua các chương trình, gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho mảng năng lượng, xuất khẩu mà các ngân hàng đang triển khai, NHNN kỳ vọng nguồn vốn hỗ trợ sẽ được đưa tới doanh nghiệp kịp thời. Qua đó, thúc đẩy tín dụng tăng trưởng mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, mặc dù 9 tháng qua các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ Covid-19, song nhờ có chính sách hợp lý mà nhà băng này đã giải ngân tín dụng khá thành công với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện năng lượng, tiêu dùng.
Các chuyên gia dự báo, với sự khởi sắc của thị trường và nhu cầu vay vốn tại ngân hàng tăng trong những tháng cuối năm, dự báo, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn ngành trên 10% vào cuối năm nay là hoàn toàn có thể.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-dung-bat-da-tang-522865.html