Tín dụng bất ngờ tăng gần 7%, doanh nghiệp vẫn mong lãi suất giảm tiếp
NHNN sẽ tiếp tục điều hành và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm thêm lãi suất với cả các khoản vay hiện hữu, chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp.
Tại Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chiều ngày 4/10 các doanh nghiệp đề xuất ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng diều kiện tín dụng, không bắt buộc mua bảo hiểm khoản vay, gia hạn khoản vay...
Tín dụng đã có tín hiệu khởi sắc
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết tính đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Đây là mức tăng đáng kể so với công bố hôm 21/9 (5,91%).
Như vậy chỉ trong tuần cuối tháng Chín, tín dụng đã có tăng trưởng khá mạnh, từ 5,91% lên 6,92%. Tính theo số tuyệt đối thì có đến hơn 120.000 tỷ đồng được ngành ngân hàng bơm ra nền kinh tế chỉ trong những ngày cuối tháng vừa qua.
Sự bứt tốc này cũng gây chú ý bởi kể từ tháng Sáu, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại đáng kể các tháng trước (tăng trưởng tín dụng cuối tháng Sáu là 4,73%, cuối tháng Bảy là 4,54%).
Phó Thống đốc cho biết mặc dù tín dụng vẫn tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với năm ngoái và cùng kỳ các năm nhưng đã có những điểm tích cực, tín dụng đã có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn gần đây.
"Đầu năm, tín dụng tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, có một yếu tố tích cực là tín dụng đã tăng đều qua các tháng, tháng sau cao hơn tháng trước... Tín dụng với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao," Phó Thống đốc nhận định.
Báo cáo rõ hơn về tình hình tín dụng trên địa bàn Thái Nguyên của một số ngành có xu hướng giảm, ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng ngành nông lâm, thủy sản giảm 0,29% so cuối năm 2022. Tín dụng ngành khai khoáng giảm 5,54%, chiếm tỷ trọng 1,57% đối với dư nợ tín dụng, ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa mô tô, ôtô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 1,09%, chiếm tỷ trọng 41,81%.
Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 10,23%, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 6,28%.
Nhưng bên cạnh đó, cũng theo ông Bắc, một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng cao như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,55%, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 14,45%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 14,31%. Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp FDI tăng 30,98%, doanh nghiệp nhà nước tăng 7,36%.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Điển hình là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế lên ngành ngân hàng.
Đề xuất không hạ mức vốn vay
Bà Nguyễn Thị Vinh - Chủ tịch Hội doanh nhân nữ Thái Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Thái Hưng đánh giá cao điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là lãi suất.
Theo đánh giá của bà Vinh, mặt bằng lãi suất hiện tại là mặt bằng lãi suất mà rất nhiều năm nay doanh nghiệp mới được hưởng. Lãi suất của một số ngân hàng trong nước thậm chí còn cạnh tranh được với lãi suất cho vay với các tổ chức nước ngoài. Trước đây, doanh nghiệp thường mua LC trả chậm để lãi suất rẻ nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức LC trả ngay vì lãi suất thấp.
Dù vậy, bà Vinh cho rằng lãi suất cho vay giảm chậm hơn so với lãi suất huy động. Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động trên thị trường giảm đến 2% song lãi suất cho vay chỉ giảm 0,5%-1%.
Theo bà Vinh, doanh nghiệp hiện nay đang phải đối mặt với bốn vấn đề lớn, trong đó vấn đề lớn nhất là thị trường và đơn hàng.
Vấn đề lớn tiếp theo mà doanh nghiệp đang gặp phải là vấn đề pháp lý. Theo doanh nghiệp này, khâu cải cách thủ tục hành chính hiện nay đang rất chậm so với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, nhiều bộ luật chồng chéo nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Riêng với vấn đề vốn, các doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ trong dự báo chính sách, đặc biệt là tỷ giá; duy trì được chính sách lãi suất ổn định lâu dài; có sự bình đẳng trong tiếp cận vốn giữa các doanh nghiệp…
Đại diện các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Bùi Sỹ Dân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Nguyên đề xuất ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng diều kiện tín dụng, không bắt buộc mua bảo hiểm khoản vay, gia hạn khoản vay, cho doanh nghiệp đáo hạn, xem xét linh động trong việc chuyển nhóm nợ...
“Doanh nghiệp khó khăn, hàng tồn nhiều trong kho, không có tiền. Trước khi doanh nghiệp đến thời điểm đáo hạn, ngân hàng nên tiếp cận với doanh nghiệp xem doanh nghiệp tăng vay vốn hay giảm, có khả năng vay lại vốn hay không. Vừa rồi có nhiều doanh nghiệp trả tiền doanh nghiệp, nhưng có thể do ngân hàng hết room, có thể do điểm tín nhiệm thay đổi nên ngân hàng không cho vay lại,” ông Dân nêu thực tế.
Đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đề xuất các ngân hàng không giảm hạ mức vốn vay của doanh nghiệp.
Liên quan tới kiến nghị của doanh nghiệp về việc lãi vay giảm chậm hơn lãi suất huy động, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay với các hợp đồng mới trung bình là 8%/năm, giảm 1% so với cuối năm ngoái. Nguyên nhân khiến lãi vay giảm chậm là do cuối năm ngoái, lãi suất huy động tăng cao, các ngân hàng vẫn tồn dư một lượng lớn lãi suất huy động giá cao này nên phải cân đối các nguồn vốn.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm thêm lãi suất với cả các khoản vay hiện hữu, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp.
Liên quan đến kiến nghị gia hạn thời gian vay nợ, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Nguyên cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, song không phải tất cả doanh nghiệp đều muốn sử dụng giải pháp này. Về thời hạn cho vay, theo ông, doanh nghiệp cần thỏa thuận với ngân hàng cho phù hợp với chu chuyển vốn của mình.
Vấn đề nới lỏng điều kiện vay, theo ông Khoa, Thống đốc đã khẳng định trước Quốc hội, Chính phủ là không thể nới lỏng, tuy nhiên, các tổ chức tín dụng có thể xem xét điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp.
Về việc giảm tài sản đảm bảo dẫn tới giảm hạn mức vay, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thái Nguyên, đây là khó khăn của năm 2023 vì trong thời kỳ giá bất động sản tăng, giá tài sản lên, ngân hàng cấp hạn mức theo số đó. Giờ thị trường giảm, ngân hàng đánh giá lại nên sẽ có một số doanh nghiệp bị giảm hạn mức./.