Tín dụng chính sách chắp cánh ước mơ

Thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách xã hội triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát huy hiệu quả thiết thực. Nguồn vốn đã chắp cánh cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống… Đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương này.

Phát huy hiệu quả tích cực

Những ngày giữa tháng 7, khu vực Tây Nguyên không còn cái nắng, cái gió như mùa khô, thay vào đó là những cơn mưa phùn bất chợt đến rồi ra đi. Tháng 7 là thời điểm vào giữa mùa mưa của đại ngàn Tây Nguyên nên khí hậu mát, khá dễ chịu. Trở lại Đắk Lắk lần này, người viết được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đưa về thăm vùng đất Cư Kuin (Đắk Lắk), một trong những vùng đất trù phú và cũng là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống làm ăn lâu đời.

Nhiều hộ gia đình tại huyện Cư Kuin đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no từ vay vốn NHNCSXH để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp

Nhiều hộ gia đình tại huyện Cư Kuin đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no từ vay vốn NHNCSXH để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp

Vừa gặp, Giám đốc phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin Hoàng Thị Thanh Tâm chia sẻ, Cư Kuin là vùng đất trù phú, nhưng đây lại là huyện không có thị trấn, tất cả các xã đều là nông thôn. Người dân nơi đây, chịu thương chịu khó, chăm chỉ làm ăn. Nhiều hộ gia đình đã giàu lên từ làm nông nghiệp. Song cũng có không ít hộ gia đình khó khăn, do hoàn cảnh gia đình, hoặc do thiếu tư liệu sản xuất, đất canh tác... Vậy nên, để góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhiều năm qua, đơn vị luôn chủ động bám sát sự chỉ đạo của NHCSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk và Ban đại diện HĐQT NHCSXH Cư Kuin, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hoạt động NHCSXH huyện Cư Kuin luôn đảm bảo an toàn, chất lượng tín dụng được duy trì tốt, dư nợ tăng trưởng luôn hoàn thành và vượt kế hoạch.

Giám đốc Tâm cho hay, 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số cho vay hơn 83,4 tỷ đồng, với 2.063 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng doanh số thu nợ 51,345 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 30/6/2024 hơn 472,7 tỷ đồng, tăng hơn 32 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng 7,28%; số khách hàng còn dư nợ 10.479 hộ. Trong đó, dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số hơn 217,2 triệu đồng, chiếm tỷ trọng hơn 46% trên tổng dư nợ, hộ vay là người đồng bào dân tộc thiểu số còn dư nợ 5.961 hộ, chiếm hơn 56% tổng số hộ vay vốn.

Hiện NHCSXH huyện Cư Kuin đang triển khai cho vay 16 chương trình tín dụng ưu đãi, với 13.666 món vay. Cụ thể, chương trình cho vay hộ nghèo với dư nợ 58,4 tỷ đồng, có 1.156 hộ; chương trình cho vay hộ cận nghèo gần 95,5 tỷ đồng, với 1.910 hộ; chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo gần 50 tỷ đồng, với 1.020 hộ; chương trình Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn: 93,8 tỷ đồng, với 5.165 hộ; chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 2085 khoảng 780 triệu đồng, với 16 hộ; chương trình cho vay dân tộc thiểu số và miền núi (Nghị định 28) 970 triệu đồng, với 18 hộ; chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở (Nghị định 100) khoảng 3,9 tỷ đồng, với 13 hộ; cho vay người chấp hành xong án phạt tù hơn 1,6 triệu đồng, với 17 hộ…

Hiện 16 chương trình tín dụng ưu đãi được NHCSXH huyện Cư Kuin đang triển khai cho vay tận thôn, buôn giúp hộ nghèo vf các đối tượng chính sách tiếp cận vốn kịp thời

Hiện 16 chương trình tín dụng ưu đãi được NHCSXH huyện Cư Kuin đang triển khai cho vay tận thôn, buôn giúp hộ nghèo vf các đối tượng chính sách tiếp cận vốn kịp thời

Giám đốc Tâm cho rằng, đặc biệt từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đến nay... đã góp phần quan trọng phát huy hiệu quả nguồn lực của tín dụng chính sách tại địa phương. Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo, triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn được nâng lên và đạt nhiều kết quả quan trọng. Huyện Cư Kiun cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tập trung huy động, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách.

Các tổ chức chính trị - xã hội các cấp nhận ủy thác và luôn đồng hành với các đối tượng tham gia vay vốn, giúp các hộ vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo thực hiện tín dụng chính sách xã hội công khai, dân chủ, đúng chủ trương, đúng đối tượng... Có thể nói, Chỉ thị số 40-CT/TW triển khai trên địa bàn đã khẳng định vai trò “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách ở địa phương.

Trợ lực để người nghèo vươn lên làm giàu

Để mục sở thị câu chuyện hiệu quả từ đồng vốn chính sách, cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Cư Kiun đã đưa phóng viên Thời báo Ngân hàng về thăm xã Ea Tiêu, địa phương đã từng xảy ra vụ bạo động vào rạng sáng ngày 11/6/2023 do một nhóm đối tượng có vũ trang tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Khi đặt chân đến xã Ea Tiêu điều đầu tiêu cảm nhận được, những còn đường giao thông kết nối đến trung tâm xã thật yên bình, hai bên đường nhà dân xây kiên cố, khang trang, hoạt động giao thương buôn bán tấp nập nơi chợ trung tâm xã…

Tín dụng chính sách xã hội giúp địa phương rất nhiều trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Tín dụng chính sách xã hội giúp địa phương rất nhiều trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu Nguyễn Văn Tuấn, người mới nhận nhiệm vụ tại xã sau vụ 11/6/2023 đón chúng tôi tay bắt mặt mừng, giống như đón người thân từ phương xa trở về. Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay, Ea Tiêu là một xã có địa bàn rộng, với tổng số hộ dân 5.546 hộ, với 24.393 nhân khẩu, được phân bổ 21 thôn, buôn. Trong đó, có 7 buôn là đồng bào dân tộc tại chỗ, với tổng số 2.113 hộ và 10.022 nhân khẩu. Tổng số hộ nghèo đầu năm 2023 là 180 hộ, chiếm tỷ lệ 3,81%, Hộ nghèo cuối năm 2023 là 170 hộ, chiếm tỷ lệ 3,06%. Người dân trong xã hiền lành, chịu khó làm ăn; đặc biệt với sự hỗ trợ tích cực của xã, các hộ nghèo có ý chí vươn lên làm ăn, ổn định cuộc sống…

Theo Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu, tín dụng chính sách xã hội giúp địa phương rất nhiều trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Các chương trình tín dụng đóng góp tích vực vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị 40 ra đời, thông qua việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, đã tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của tập thể lãnh đạo, cán bộ đảng viên trong Đảng bộ xã. Đối với việc thực hiện Chỉ thị cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức rõ về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Đồng thời, xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch và hoạt động thường xuyên của cấp ủy chính quyền địa phương; tăng cường quản lý vốn tín dụng đúng mục đích, hiệu quả và thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Chủ tịch Tuấn khẳng định, qua 10 năm triển khai thực hiện Chi thị số 40-CT/TW đã có trên 819 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay trên 35 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 3,5tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt 79,921 tỷ đồng, tăng 6,383 tỷ đồng so với năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay tại buôn đặc biệt khó khăn (buôn Knir) 7,815 tỷ đồng; số lượng khách hàng đang theo dõi và quản lý 148 hộ, tương ứng với 31,7% số hộ của xã được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Từ nguồn vốn các chương trình tín dựng ưu đãi, trong 10 năm qua đã giúp cho 216 hộ thoát nghèo, tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho trên 345 lao động; tạo điểu kiện cho nhiều lượt học sinh sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; giúp xây dựng trên 979 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn tại vùng nông thôn góp phần cải tạo môi trường sống; xây dựng 86 căn nhà. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội được bổ sung qua các năm, đa dạng đối tượng thụ hưởng góp phần quan trọng vào phát triến kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ tịch Tuấn chia sẻ thêm, để có thể hiểu hơn về câu chuyện tín dụng chính sách xã hội là nguồn lực để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách của xã Ea Tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh, phóng viên có thể đi cơ sở, nắm thông tin thực tế từ hộ vay cùng Hội nông dân xã sẽ nắm bắt được thực hư về hiệu quả sử dụng vốn vay của bà con.

Theo chân lãnh đạo Hội nông dân xã Ea Tiêu, chúng tôi đến Buôn Tiêu của xã Ea Tiêu, trên đường vào rẫy để gặp hộ vay vốn, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Ea Tiêu H’Niê Gi Knul cho biết, tổng dư nợ của Hội nông dân xã nhận ủy thác cho vay từ NHCSXH huyện hơn 42 tỷ đồng, với 19 tổ tiết kiệm và vay vốn, có 947 hộ vay. Dự nợ được trải đều ở tất cả các chương trình vay vốn do ngân hàng triển khai. Tất cả các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục địch và mang lại hiệu quả thiết thực.

Hội Nông dân xã đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH thực hiện tốt công tác thông tin để người dân biết các chương trình cho vay ưu đãi để tiếp cận, đầu tư làm kinh tế. Để đồng vốn ưu đãi phát huy hiệu quả, Hội Nông dân xã tập trung hướng dẫn người vay qua đào tạo nghề, tạo việc làm, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn bằng cách làm tốt bình xét hộ vay, đôn đốc hộ vay trả nợ gốc, trả lãi và gửi tiết kiệm...

Nhờ vay vốn từ NHCSXH nên qua các năm, gia đình chị H’Duh (người đứng giữa) không phải vay "tín dụng đen", mà còn tích lũy mua thêm được đất sản xuất

Nhờ vay vốn từ NHCSXH nên qua các năm, gia đình chị H’Duh (người đứng giữa) không phải vay "tín dụng đen", mà còn tích lũy mua thêm được đất sản xuất

Rẫy của hộ vay vốn H’Duh cách đường nhựa tầm hơn 0,5km, xe ô tô không vào được đến nơi nên cả đoàn phải “cuốc bộ” dưới cơn mưa phùn. Vừa đến đầu rẫy, ai cũng thoáng phục trước vẻ đẹp của một mô hình xen canh gồm sầu riêng, hồ tiêu và cà phê. Cây cối tốt tươi, đang vào giai đoạn mang quả, nhìn thật mát mắt, chứng tỏ chủ vườn đã đầu tư không ít tiền của và công sức.

Chị H’Duh chia sẻ, trước kia gia đình nghéo lắm. Không có đủ tiền để đầu tư chăm sóc cho vườn cây, nên mùa nào sản lượng cũng thua các hộ bên cạnh. Từ năm 2021, gia đình được vay vốn từ NHCSXH huyện Cư Kiun thông qua Hội nông dân xã, với tổng số tiền vay 50 triệu đồng từ 2 chương trình hộ cận nghèo và giải quyết việc làm. Từ khi có vốn, gia đình mình đã tập trung đầu tư chăm sóc, luôn đáp ứng đủ phân, đủ nước. Chỉ sau 3 niên vụ đầu tư bài bản, gia đình đã có vườn cây đẹp như hôm nay.

“Cảm ơn ngân hàng, cảm ơn Hội Nông dân xã đã giúp gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư làm kinh tế. Trước kia, gia đình phải đi “vay ngoài”, lãi suất rất cao lắm. Cứ đến đầu vụ thu hoạch là người ta vào thu sản lượng để thu nợ tiền vay. Vậy nên, gia đình lúc nào cũng trong cảnh thiếu thốn. Nhờ vay vốn từ NHCSXH nên qua các năm, gia đình đã tích lũy và mua thêm được đất sản xuất” – chị H’Duh xúc động nói.

Rời nương rẫy của chị H’Duh mà trong lòng những người trong đoàn thăm hộ vay vốn ai cũng có cảm giác vui mừng trước sự nỗ lực vươn lên của bà con. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy nguồn lực tín dụng chính sách, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn từ ngân sách qua NHCSXH để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, ổn định sinh kế; phát triển các sản phẩm nông nghiệp của địa phương…

Công Thái

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-chinh-sach-chap-canh-uoc-mo-154027.html