Tín dụng chính sách: Giúp cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số đổi thay

Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sơn Hòa vay vốn tín dụng chính sách để nuôi bò, phát triển kinh tế. Ảnh: LÊ HẢO

Thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) triển khai kịp thời, hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có vốn trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện đời sống. Qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị tại các địa phương.

Thụ hưởng nhiều chương trình

Mang Thạnh ở thôn Da Dù, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) học cao đẳng sư phạm Văn tại Trường đại học Phú Yên, sau đó anh tiếp tục liên thông lên đại học cùng ngành cũng tại trường này. Sau khi tốt nghiệp, Mang Thạnh được hợp đồng công tác tại Trường tiểu học Xuân Lãnh 1. Là người đồng bào dân tộc thiểu số, ra trường được làm đúng ngành, lại ở gần nhà, Mang Thạnh rất mừng.

Theo Mang Thạnh, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên trong thời gian anh đi học, mẹ của Thạnh là bà Mang Thị Oạy có vay vốn chương trình tín dụng học sinh sinh viên của NHCSXH. Số tiền vay giúp Thạnh trang trải phần nào chi phí khi học tập tại TP Tuy Hòa. “Tôi là người đồng bào dân tộc thiểu số, được đi học sư phạm theo dạng cử tuyển. Mặc dù vậy, nếu không được vay ngân hàng, kinh tế gia đình sẽ không đủ để đảm bảo cho tôi theo học suốt 5 năm. Trong thời gian học, ngoài tiền vay ngân hàng, tôi còn làm thêm để có tiền chi phí ăn học”, Mang Thạnh nói.

Đến buôn Trinh, xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) hỏi gia đình Ksor Y Véo, nhiều người biết bởi những nỗ lực vươn lên thoát nghèo của gia đình anh trong thời gian qua. Trước đây, hộ Y Véo nghèo có tiếng trong buôn. Vợ chồng anh chăm chỉ làm ăn nhưng thiếu vốn nên làm mãi không khá được. Biết được điều này, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở buôn Trinh đã hướng dẫn Y Véo làm hồ sơ vay vốn NHCSXH. Có vốn, Y Véo mua bò về nuôi; bò mẹ đẻ bò con, Y Véo bán bớt để trả nợ, còn lại thì nuôi tiếp để gầy đàn. Khi hộ Y Véo thoát nghèo, gia đình anh được vay tiếp vốn hộ cận nghèo, rồi vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để tiếp tục nuôi bò, trồng sắn. Nguồn thu từ trồng trọt, chăn nuôi giúp Y Véo sửa sang lại nhà cửa khang trang, sắm sửa đồ đạc đầy đủ chứ không còn khó khăn như trước. Y Véo cho biết: “Kinh tế gia đình tôi được như hôm nay không chỉ nhờ vợ chồng chăm chỉ lao động mà còn nhờ NHCSXH kịp thời cho vay vốn”.

Tại thôn Hòn Ông, xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), nhờ nguồn vốn cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, La O Hờ Đẹt mới có điều kiện xây lại nhà sau bao năm ba mẹ con phải ở trong căn nhà cũ xuống cấp, dột nát. Theo Hờ Đẹt, cuộc sống gia đình chị vốn rất khó khăn. Sau khi ly hôn chồng, Hờ Đẹt một mình nuôi hai con nhỏ. Không chỉ được NHCSXH cho vay vốn để xây lại nhà, chị còn được vay thêm vốn dành cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để nuôi bò. “Tôi sẽ cố gắng nuôi bò mau lớn để không chỉ có tiền trả nợ ngân hàng mà còn dành dụm nuôi con ăn học”, Hờ Đẹt nói.

Tiếp tục hỗ trợ vốn

Theo NHCSXH Phú Yên, hiện các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang được thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù theo Quyết định 54/2012/QĐ-TTg về thực hiện chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; Quyết định 755/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 và Quyết định 2085/2016/QĐ-TTg về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020. Ngoài ra, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng được thụ hưởng đa dạng các chương trình tín dụng chính sách khác mà NHCSXH quản lý như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...

Trong 9 tháng đầu năm nay, NHCSXH Phú Yên đã giải ngân gần 109,4 tỉ đồng cho 2.807 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vay vốn. Đến cuối tháng 9/2020, tổng dư nợ các nguồn vốn hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay là gần 379,4 tỉ đồng với 11.706 hộ còn dư nợ, chiếm khoảng 13% tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách NHCSXH Phú Yên đang quản lý. “Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số, NHCSXH Phú Yên sẽ phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền sâu rộng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với người dân; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm... để giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên chia sẻ.

Với thủ tục vay vốn đơn giản và mạng lưới hoạt động “phủ” đến từng thôn, buôn, tín dụng chính sách xã hội không chỉ tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có vốn sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống mà còn góp phần giúp bà con nâng cao nhận thức, tăng dần vị thế trong xã hội.

Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/246488/tin-dung-chinh-sach--giup-cuoc-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-doi-thay.html