Tín dụng chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: LÊ HẢO

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn; ưu tiên nguồn vốn cho các xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số, các xã có tỉ lệ hộ nghèo cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để người dân đầu tư, phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nâng cao trình độ sản xuất, cải thiện đời sống

Dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh đến 30/4/2022 là 3.538 tỉ đồng, tăng 1.524 tỉ đồng so với năm 2016 (bình quân tăng mỗi năm 8,4%), với 252.422 lượt hộ vay vốn. Trong đó có 11.226 khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang còn dư nợ, chiếm 78,3% số hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, chiếm 13% số hộ vay vốn tại NHCSXH Phú Yên, với dư nợ 419 tỉ đồng; dư nợ bình quân hộ dân tộc thiểu số đạt 37,3 triệu đồng/hộ. Trong giai đoạn 2016-2021, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 814 tỉ đồng, với 23.523 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ 580 tỉ đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội chủ yếu được người dân đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng, trồng cây ăn quả phát triển sản xuất nông nghiệp, mua máy móc và công cụ lao động đầu tư cho sản xuất kinh doanh, xây dựng và sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, công trình vệ sinh, hỗ trợ kinh phí học tập... Qua đó đáp ứng được những nhu cầu cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Các chương trình tín dụng chính sách phát huy vai trò là công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, bổ sung nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, ngăn ngừa và hạn chế tình trạng tín dụng đen, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2021 là 2,17%, giảm 10,45% so với đầu giai đoạn năm 2016, tỉ lệ thoát nghèo bình quân 2%/năm; trong đó 3 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân còn 5,1%, giảm 25,79% so với đầu giai đoạn năm 2016.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm quen với việc vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh và quản lý vốn. Từ đó đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, thay đổi cách thức làm ăn của hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là các địa bàn huyện miền núi khó khăn. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tự tin hơn và tăng dần vị thế trong xã hội, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa. Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng giúp các địa phương nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, đặc biệt UBND cấp xã, chính quyền cấp cơ sở có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, góp phần ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại cơ sở.

Kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay tại xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân). Ảnh: LÊ HẢO

Kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay tại xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân). Ảnh: LÊ HẢO

Hỗ trợ người vay sử dụng vốn hiệu quả

Bên cạnh những kết quả nói trên, thời gian qua, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các chương trình tín dụng này khi được ban hành có độ trễ nhất định so với thời điểm lập đề án, dẫn đến một số tiêu chí không còn phù hợp. Điển hình như mức cho vay thấp không đủ để đầu tư sản xuất, kinh doanh; việc bố trí nguồn vốn đối ứng để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số chưa kịp thời, chưa thực hiện theo kế hoạch.

Hàng năm, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai… ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của một bộ phận người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Trình độ nhận thức, tập quán sản xuất của người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi còn hạn chế. Điều kiện sản xuất, trồng trọt chăn nuôi còn nhỏ lẻ, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết, biến đổi khí hậu... Công tác phối hợp giữa hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm tại một số địa phương còn hạn chế, vì vậy hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách chưa cao. Một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn đi xuất khẩu lao động chưa đáp ứng được yêu cầu làm việc, ý thức chấp hành kỷ luật còn thấp, vi phạm hợp đồng lao động, bỏ về nước trước thời hạn nên không có nguồn thu nhập, không thể thoát nghèo.

Để nguồn vốn cho vay tiếp tục phát huy hiệu quả, các ngành có liên quan cần có cơ chế phối hợp, gắn trách nhiệm trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người vay sử dụng vốn hiệu quả. Đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng miền núi, cần phối hợp giữa các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã, thôn/buôn đặc biệt khó khăn miền núi và dân tộc thiểu số, đảm bảo các công trình phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế cho người dân nói chung và người nghèo ở các vùng dự án. Đồng thời mở rộng đối tượng cho vay đối với hộ có mức sống trung bình, đặc biệt là đối với các xã trước đây thuộc vùng khó khăn được công nhận nông thôn mới; nâng mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ đối với chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn.

Theo kết quả điều tra năm 2019, vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có 62.949 hộ, với 220.161 người, chiếm hơn 25% dân số của tỉnh. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số 14.335 hộ, 60.128 người, với 32 dân tộc cùng sinh sống, chiếm hơn 27% dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tập trung ở 3 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân, và chiếm gần 7% dân số toàn tỉnh.

Năm 2016, toàn tỉnh có 12,62% hộ nghèo, trong đó 3 huyện miền núi là 30,89%. Đến cuối năm 2021, số hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg) là 2,17%, trong đó 3 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân là 5,1%; hộ nghèo dân tộc thiểu số là 5.279 hộ, chiếm 40,8% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm khoảng 35% số hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

HỒ VĂN THỤC

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/277258/tin-dung-chinh-sach-ho-tro-phat-trien-vung-dan-toc-thieu-so-mien-nui.html