Tín dụng chính sách nâng đỡ quyết tâm hoàn lương (Kỳ 1)
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá như một luồng gió lành, thổi bùng lên hi vọng làm lại cuộc đời của những người từng lầm lỗi.
Kỳ 1: Quyết định 22/2023/QĐ-TTg - điểm tựa cho người lầm lỗi
Thổi bùng hi vọng làm lại cuộc đời của người từng mang án
Nghệ An là một trong những địa phương có số người chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương hàng năm lớn. Hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng luôn được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm. Cùng với sự nỗ lực của chính bản thân những người chấp hành xong án phạt tù, sự hỗ trợ, động viên của người thân, gia đình, các cơ quan chức năng, nhiều người trong số họ đã vững bước vượt qua bóng tối quá khứ để làm lại cuộc đời, trở thành một công dân tốt.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người chấp hành xong án phạt tù trở về đã gặp rất nhiều khó khăn, từ rào cản tâm lý, sự kỳ thị của xã hội, việc làm và thu nhập thiếu ổn định. Thiếu việc làm, thiếu thu nhập cũng chính là một trong những con đường đẩy họ quay trở lại con đường lầm lỡ. Bởi vậy, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù như một luồng gió lành, thổi bùng lên hi vọng làm lại cuộc đời của những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, đồng thời cũng là sự cụ thể hóa chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với người từng lầm lỗi.
Ngay khi Quyết định 22/QĐ-TTg có hiệu lực, Ngân hàng Chính sách xã hội và Bộ Công an đã có hướng dẫn cụ thể triển khai trên phạm vi toàn quốc. Ngày 14/11/2023, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành kế hoạch, cụ thể hóa chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, giúp người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh được tiếp cận vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch của UBND tỉnh Nghệ An cũng đã phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành liên quan và các địa phương trong việc triển khai gói tín dụng nhân văn này.
Chủ trương cần thiết và bao trùm
Người chấp hành xong án phạt tù trở về gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập cuộc sống mới, khó tìm kiếm cơ hội việc làm ổn định để nuôi sống bản thân. Điều này khiến họ nảy sinh tâm lý tự ti, tiêu cực, chán nản, dễ bị lôi kéo vào con đường xấu, tăng nguy cơ tái phạm. Công tác giúp đỡ người mãn hạn tù, cụ thể là tạo việc làm, đã được chính quyền và công an các địa phương quan tâm, triển khai nhưng phạm vi, quy mô nhỏ lẻ. Thực tế cho thấy, nếu được tạo điều kiện để có công việc ổn định, được tin tưởng, người mãn hạn tù sẽ hòa nhập tốt hơn với xã hội và sống có ích hơn, trách nhiệm hơn với chính bản thân mình, với gia đình và xã hội.
Bởi vậy, Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, theo ông Hoàng Sơn Lam, Phó Giám đốc Chi nhanh Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An, là một chủ trương, chính sách cần thiết và có tính bao trùm. Ông Lam cho rằng giải quyết vốn vay ưu đãi cần thiết đối với cá nhân người lầm lỗi, cần thiết với xã hội và cần thiết với công tác quản lý nhà nước trong việc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương ổn định đời sống, ngăn ngừa tái phạm, qua đó góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Với kinh nghiệm trong triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho nhiều đối tượng đặc thù, đặc biệt là kinh nghiệm cũng như hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội từ gói tín dụng cho đối tượng sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng CSHX Nghệ An triển khai gói tín dụng theo Quyết định 22 của Chính phủ với một tâm thế tự tin.
“Trong quá trình triển khai, chúng tôi được Ngân hành CSXH chỉ đạo, hướng dẫn sát sao, các địa phương cùng ngành công an phối hợp hiệu quả, nhuần nhuyễn, kịp thời và trách nhiệm cao. Tính đến nay, sau hơn một năm triển khai chương trình tín dụng ưu đãi theo Quyết định 22, Chi nhánh Ngân hàng CSXH và Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện đã giải quyết hồ sơ, thủ tục cho vay đối với 293 khách hàng, số vốn được giải ngân đạt gần 26,5 tỷ đồng, đảm bảo đúng đối tượng, đúng trình tự thủ tục.
Thời điểm này, gói tín dụng mới triển khai được hơn 1 năm, còn quá sớm để đánh giá về hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất của người vay. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tất cả khách hàng vay vốn đều đảm bảo về thời gian trả lãi và có khoản tiết kiệm hàng tháng. Đây là một tín hiệu khả quan về sự kiên trì, nghiêm túc, trách nhiệm của người vay đối với khoản vay”, ông Hoàng Sơn Lam chia sẻ.