Tín dụng chính sách 'nuôi dưỡng' nhiều trang trại ở Hưng Yên
Nhờ nguồn tín dụng chính sách, năm 2019, Hưng Yên đã có gần 5.000 hộ thoát nghèo, đời sống của người dân được cải thiện với những trang trại cây ăn quả có thương hiệu vừa tiêu thụ trong nước, vừa xuất khẩu.
Những năm qua, cuộc sống ở nông thôn Hưng Yên đã có nhiều thay đổi. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng đều các năm; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng cao. Các chương trình, đề án giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới được quan tâm đầu tư, triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2019, toàn tỉnh đã có 4.676 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,9%. Toàn tỉnh có 5 huyện, thị xã, thành phố và 141 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đạt thành tựu đáng tự hào đó là nhờ sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, hội, đoàn thể, ban, ngành các cấp, trong đó có phần đóng góp quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách trong quá trình thúc đẩy thực hiện đề án giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ở xã Nhuế Dương, huyện Khoái Châu, người dân đã phát tiển những vườn cây ăn quả hàng trăm héc-ta trên nền đất phù sa mầu mỡ nhờ vào đồng vốn tín dụng chính sách. Các loại quả như cam, quýt, thanh long, chuối tiêu hồng Nhuế Dương đã có nhãn hiệu, được quảng bá rộng rãi và được nhiều tư thương đến tận vườn, tận ruộng đặt mua.
Hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính sách nơi đây đã sử dụng hiệu quả hơn 16 tỷ đồng vốn chính sách để đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Đến năm 2020, xã Nhuế Dương được mùa, được giá, thu về cả chục tỷ đồng tiền lãi.
Tiêu biểu là gia đình chị Vương Thị Chính ở thôn 5, xã Nhuế Dương đã 2 lần được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Khoái Châu để cải tạo chân ruộng trũng thành vườn trồng bưởi da xanh, chuối tiêu hồng. Mỗi năm, gia đình chị cung ứng từ 50 - 70 tấn sản phẩm đảm bảo chất lượng cho thị trường trong nước, xuất khẩu sang Malaysia, Nhật Bản.
Ông Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch UBND xã Nhuế Dương cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách như chìa khóa vàng mở cánh cửa cho địa phương phát triển kinh tế mạnh mẽ, giảm nghèo bền vững và về đích nông thôn mới trước thời gian quy định.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2015 - 2019, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt gần 2.800 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn địa phương đạt 552 tỷ đồng, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các cấp đạt trên 78 tỷ đồng, để tập trung đầu tư, hỗ trợ trực tiếp công cuộc bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong nhiều năm qua, cán bộ tín dụng chính sách tỉnh Hưng Yên luôn tận tụy với người nghèo, thường xuyên bám sát làng quê, chuyển tải nhanh chóng nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến từng đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện, cơ hội giúp đỡ họ hiện thực hóa ước mơ thoát nghèo bền vững và khát vọng làm giàu chính đáng.
Nhờ nguồn tín dụng chính sách, vùng đất tả ngạn sông Hồng đang đổi thay, ngày càng trù phú hơn. Nhiều hộ nông dân đã phát triển các thương hiệu được khách hàng trong, ngoài nước tin dùng như cam Quý Châu, chuối tiêu hồng Kim Động, gà Đông Tảo Khoái Châu, nhãn lồng Tiên Lữ, vải lai Phù Cừ, hoa quả cây cảnh Văn Giang...
Phát huy những kết quả được trong thực hiện chính sách giảm nghèo thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đề ra mục tiêu phấn đấu cụ thể cho giai đoạn 2020 - 2025, trong đó phấn đấu hết năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,6% hạn chế tái nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Để góp phần thực hiện chính sách này, Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể, thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, thông qua việc tập trung huy động mọi nguồn lực, thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, trong đó có cả việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.