Tín dụng cho hội viên, phụ nữ phát triển nông nghiệp: Cần xem xét giảm lãi vay
Ngân hàng cần xem xét tiếp tục có chính sách giảm lãi suất cho vay một số chương trình đặc thù để hỗ trợ, giúp đỡ người khó khăn, yếu thế, rủi ro đột xuất.
Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương phát biểu tại hội nghị
Hơn 9.000 gia đình hội viên, phụ nữ tại Hà Nội được vay vốn
Ngày 28/2 đã diễn ra Hội nghị đánh giá việc thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2018 - 2022 giữa Hội LHPN TP Hà Nội phối hợp với Agribank các chi nhánh Hà Nội, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2023 - 2027.
Theo báo cáo tại hội nghị, doanh số cho vay thông qua tổ vay vốn số dư nợ đến ngày 31/12/2022 trên toàn thành phố là 874 tỷ 228 triệu đổng với 435 tổ tiết kiệm & vay vốn cho 9.171 hộ vay (giảm 22,2 tỷ so với cùng kỳ năm 2018). Một số huyện có dư nợ đạt cao như: Ba Vì (210 tỷ), Thanh Oai (155 tỷ), Thường Tín (75 tỷ), Chương Mỹ (71 tỷ), Phú Xuyên (69 tỷ), Quốc Oai (69 tỷ), Phúc Thọ (67 tỷ)…
Trong đó, nợ xấu là 4.933 triệu đồng, tăng 1.823 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2018. Những đơn vị tăng nợ xấu gồm: Ứng Hòa tăng 824 triệu, Thanh Oai tăng 556 triệu, Thường Tín tăng 420 triệu, Quốc Oai tăng 338 triệu, Sơn Tây tăng 223 triệu, Mỹ Đức tăng 41 triệu, Phúc Thọ tăng 21 triệu.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương khẳng định, hoạt động vay vốn đã giúp hội viên, phụ nữ đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn. Nguồn vốn vay giúp nhiều gia đình hội viên có cơ hội vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ đã phấn đấu trở thành hộ khá, giàu, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, của huyện.
Tuy nhiên, tại một số đơn vị, doanh số cho vay thông qua tổ vay vốn số dư nợ hàng năm giảm, phát sinh nợ xấu cao; Nguồn vốn tín dụng cho vay qua tổ mới tập trung cho các hộ gia đình sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, cho vay mô hình ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Các khoản vay không bảo đảm tài sản qua tổ chức Hội mức vay và dư nợ còn thấp… Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát định kỳ chưa thường xuyên.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm, những khó khăn và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả cho vay hộ gia đình và cá nhân thông qua tổ vay vốn giai đoạn 2023-2027; ký kết văn bản thỏa thuận liên ngành giai đoạn 2023-2027.
Nhiều đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng để lừa gạt hội viên phụ nữ
Bà Đặng Thị Tuần, thôn 11, xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ, Hà Nội - Tổ trưởng tổ vay vốn - cho biết, hiện nay, người dân chỉ được vay vốn với số tiền 200 triệu đồng. Số tiền này rất khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất kinh doanh, sản xuất. Vì vậy, nguyện vọng của người dân là mong muốn được vay với số tiền cao hơn. Ngoài ra, người dân cũng có nguyện vọng được tham gia các lớp tập huấn tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin để tiếp cận vốn và hiểu biết hơn.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của hội viên, phụ nữ cho rằng, phía ngân hàng cần phải cân nhắc lại hình thức cho vay tín chấp và "cầm hộ" sổ đỏ của người dân. Dẫu chưa phải là hình thức thế chấp sổ đỏ nhưng việc này cũng khiến người dân gặp khó khăn trong những trường hợp cần phải sử dụng đến sổ đỏ.
Tuy nhiên, đại diện ngân hàng Agribank cho rằng, việc "cầm hộ" sổ đỏ nhằm giúp tổ chức tín dụng hạn chế rủi ro trong công tác tín dụng, nâng cao chất lượng tín chấp.
Bà Vũ Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Xuyên, đề nghị ngân hàng cần xem xét tiếp tục có chính sách giảm lãi suất cho vay một số chương trình đặc thù để hỗ trợ, giúp đỡ người khó khăn, yếu thế, rủi ro đột xuất.
Ngoài ra, hiện nay, nhiều đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng (trong đó có Ngân hàng Agribank) để lừa gạt hộ vay tham gia các gói dịch vụ hoặc lừa đảo chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản. Đề nghị Ngân hàng Agribank tiếp tục có thông tin cảnh báo, tuyên truyền để người dân cảnh giác và có biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng trên.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương đề nghị Agribank tăng cường phối hợp với các cấp Hội để việc thực hiện chính sách tín dụng thời gian tới được công khai, minh bạch, nhằm tuyên truyền vận động để phụ nữ thực hiện tài chính một cách hiệu quả nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của từng gia đình
Chương trình cho vay vốn qua tổ nhóm tới 100% các huyện, thị xã trên địa bàn phải phù hợp với từng địa phương, đơn vị; nâng cao công tác phối hợp kiểm tra giám sát, tập huấn, trao đổi thông tin thường xuyên để có biện pháp khắc phục với các trường hợp phát sinh nợ quá hạn; cải tiến các quy trình, thủ tục trong hoạt động tín dụng, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay vốn…