'Tín dụng đen' ngày càng mở rộng: Các ngân hàng thương mại cần thay đổi
Theo chuyên gia Phạm Minh Quốc (Trường Đại học Thương Mại), vấn nạn 'tín dụng đen' ngày càng mở rộng quy mô, vì vậy, hệ thống các ngân hàng thương mại cần thay đổi và hoàn thiện các chính sách, tạo thêm kênh cho người vay tiêu dùng.
Chuyên gia Phạm Minh Quốc cho rằng, trong bối cảnh các hoạt động kinh tế xã hội cần được phục hồi bởi những ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu vay vốn của người dân sẽ rất lớn.
Đây cũng là thời điểm cho cho vấn nạn “tín dụng đen” ngày càng mở rộng quy mô, gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý và trật tự an toàn xã hội.
Về bản chất, “tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định. Hoạt động này thường được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, đi liền với các hành vi đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản trái pháp luật.
Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính.
Chuyên gia Trường Đại học Thương Mại cho rằng, sự mở rộng quy mô của vấn nạn “tín dụng đen” cũng phản ánh nhiều điểm hạn chế của các ngân hàng thương mại hiện nay.
Thực tiễn hoạt động vay tiêu dùng cho thấy vay tiêu dùng qua công ty tài chính có những điểm khác căn bản với vay tiêu dùng qua ngân hàng thương mại về thủ tục, mức cho vay, đối tượng và lãi suất.
Cụ thể, thủ tục vay vốn tại các ngân hàng thường diễn ra phức tạp và đòi hỏi nhiều yêu cầu hơn như phải chứng minh được khả năng trả nợ, các khoản vay lớn phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, việc vay tiêu dùng tại các công ty tài chính thường đơn giản, nhanh chóng. Người vay chỉ cần có chứng minh thư, sổ hộ khẩu là có thể được xem xét cho vay. Người vay không nhất thiết phải có tài sản thế chấp.
Về khoản vay và mức cho vay, do đặc thù về chức năng và thẩm quyền hoạt động kinh doanh của loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính thường hướng tới việc đáp ứng các khoản vay nhỏ, đa dạng (từ mức vài triệu đến vài chục triệu), nhằm thỏa mãn rộng rãi nhu cầu của khách hàng đối với các vật dụng dùng cho cá nhân và hộ gia đình, từ điện thoại di động, đồ gia dụng... đến những sản phẩm lớn hơn như xe máy, ô tô.
Trong khi đó, hoạt động cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại thường hướng tới các khoản vay có giá trị lớn hơn như cho vay kinh doanh, vay mua nhà, vay mua ô tô… Chính vì vậy, đối tượng được vay vốn tại ngân hàng thường sẽ hẹp hơn tại các công ty tài chính.
Về lãi suất vay vốn, mức lãi suất tại các công ty tài chính thường cao hơn (từ 12 – 22%/năm) so với ngân hàng thương mại (từ 6 – 17%/năm). Điều này là không thể tránh khỏi bởi công ty tài chính không được phép huy động vốn từ dân cư (tiền gửi cá nhân). Chi phí bù đắp rủi ro của khoản vay tín chấp và khoản vay có tài sản bảo đảm là có sự khác nhau.
Các công ty tài chính thường phát triển cho vay tiêu dùng tín chấp, đây là một nghiệp vụ cho vay dựa trên uy tín cá nhân được đánh giá bởi tổ chức tín dụng dành cho một khách hàng mà không cần phải bảo đảm tài sản.
Cho vay tiêu dùng tín chấp sẽ luôn chứa đựng rủi ro cao, cho nên lãi suất từ đó phải cao hơn so với các khoản cho vay tiêu dùng thế chấp mà ngân hàng thương mại đang ưu tiên đẩy mạnh.
Cùng với đó, giá trị của khoản vay trả góp tiêu dùng qua công ty tài chính thường nhỏ lẻ, kỳ hạn vay ngắn (khoảng từ 6 - 8 tháng, thậm chí 4 - 5 tháng) dẫn đến các chi phí thẩm định, chi phí đòi nợ, chi phí quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường.
Nhằm hạn chế và đẩy lùi “sự bành trướng của tín dụng đen”, theo Chuyên gia Phạm Minh Quốc, việc phát huy khả năng tham gia thị trường tín dụng của các công ty tài chính hợp pháp và các tổ chức tài chính vi mô là một yêu cầu mang tính khách quan nhằm tạo ra các kênh đa dạng cho việc tiếp cận quan hệ tín dụng của người tiêu dùng, thay vì họ phải tìm tới các băng nhóm hoạt động tín dụng bất hợp pháp.
Tuy nhiên, hệ thống các ngân hàng thương mại cần thay đổi và hoàn thiện các chính sách lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn nhàn rỗi trong dân cư để hạn chế cơ hội vận hành trung gian của “tín dụng đen” giữa người có nguồn vốn nhàn rỗi với người có nhu cầu vay tiêu dùng.
“Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng ngân hàng cần tăng cường thêm các nguồn vốn cho vay tiêu dùng và xây dựng chính sách mở rộng khả năng tiếp cận nhu cầu vay tiêu dùng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó là tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết những nguồn vốn có lãi suất cho vay thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi này để không phải vay nặng lãi, vay “tín dụng đen”, ông Quốc khuyến nghị.