Tín dụng là gì?

Tín dụng là hình thức hỗ trợ tài chính dựa trên cơ sở tín nhiệm và nguyên tắc hoàn trả, vậy tín dụng gồm những gì?

Tín dụng là mối quan hệ giữa bên cho vay và người vay. Theo đó, bên cho vay sẽ chuyển giao quyền sử dụng một lượng tài sản cho người vay trong thời gian nhất định. Bên vay có nghĩa vụ hoàn trả khoản vay trong thời gian thỏa thuận kèm theo lãi suất.

Tín dụng ngân hàng là mối quan hệ vay mượn giữa bên cho vay là ngân hàng (hoặc tổ chức tín dụng hợp pháp) và bên đi vay là cá nhân hoặc doanh nghiệp có nhu cầu vay tiền. Khi đó, bên đi vay cần có tài sản có giá trị thế chấp cho bên vay trong một thời hạn được thỏa thuận. Sau thời gian vay mượn, bên vay có nghĩa vụ trả các khoản nợ gốc và lãi theo cam kết ban đầu.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Vai trò của tín dụng

Tín dụng có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động kinh tế thị trường:

- Góp phần thúc đẩy quá trình tái sản xuất mở rộng, góp phần điều tiết nền kinh tế vĩ mô.

- Thúc đẩy quá trình tập trung vốn và tập trung sản xuất.

- Tiết kiệm chi phí lưu thông xã hội

- Là công cụ góp phần thực hiện các chính sách xã hội.

- Ngoài ra, hoạt tín dụng đảm bảo cho nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cá nhân, góp phần tác động đến chế độ hạch toán kinh tế của doanh nghiệp.

Các sản phẩm tín dụng phổ biến hiện nay

Sản phẩm tín dụng có nhiều loại, phụ thuộc vào thời hạn tín dụng, người đi vay, đối tượng tài sản tín dụng, người cho vay, mục đích và phương thức tín dụng...

Trên thị trường hiện tồn tại các hình thức tín dụng phổ biến sau:

- Vay tín chấp: Đây là hình thức vay vốn mà người đi vay không cần tài sản đảm bảo cầm cố cho ngân hàng, dựa hoàn toàn vào uy tín, minh chứng tài chính của người vay. Vay tín chấp phù hợp với các nhu cầu nhỏ như mua sắm, vui chơi giải trí...Thời gian thẩm định và giải ngân nhanh nhưng vay tín chấp có lãi suất khá cao.

- Vay thế chấp: Là hình thức vay đặc trưng của ngân hàng, vay thế chấp phải có tài sản đảm bảo để thế chấp cho ngân hàng. hạn mức vay thế chấp cao lên tới 80% giá trị tài sản thế chấp. Thời hạn vay kéo dài lên đến 25 năm tùy theo nhu cầu của người vay.

- Vay thấu chi: Vay thấu chi ít phổ biến hơn so với vay thế chấp và tín chấp. Đây là hình thức vay cho khách hàng cá nhân có nhu cầu sử dụng vượt quá số tiền hiện có trong tài khoản thanh toán. Hạn mức được cấp gấp 5 lần lương, lãi suất tín dụng có thể lên đến 1,5 lần so với mức vay tín chấp.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được cấp tài khoản thấu chi. Thông thường, ngân hàng dựa trên lịch sử tín dụng của khách hàng tại ngân hàng đó.

Bằng Lăng (tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tin-dung-la-gi-ar887755.html