Tín dụng nền kinh tế đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng đến ngày 30/6

Sáng 8/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025. Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà chủ trì cuộc họp báo.

Toàn cảnh cuộc họp báo.

Toàn cảnh cuộc họp báo.

Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nêu rõ, những tháng đầu năm 2025, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chịu tác động bởi nhiều yếu tố: từ các chính sách thuế quan thay đổi nhanh chóng, đến căng thẳng địa chính trị gia tăng.

“Ngay đầu giờ sáng 8/7 (giờ Việt Nam), Mỹ công bố mức thuế từ 25-40% đối với 14 quốc gia, hiệu lực từ ngày 1/8, đồng thời cảnh báo sẽ tăng thuế nếu như các quốc gia này trả đũa, cho thấy nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định trong giai đoạn tới. Lạm phát mặc dù hạ nhiệt về mức mục tiêu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại.

Như vậy, rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính-tiền tệ thế giới tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất trong nước, cũng như việc thực hiện mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhìn nhận.

 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà phát biểu khai mạc cuộc họp báo.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà phát biểu khai mạc cuộc họp báo.

Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để xây dựng các kịch bản điều hành phù hợp; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững , kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Chí Quang, trong 6 tháng đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế-chính trị quốc tế diễn biến khó lường, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Nhờ đó, thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; tỷ giá VND diễn biến linh hoạt, phù hợp điều kiện thị trường.

 Vụ trưởng Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang phát biểu tại cuộc họp báo.

Vụ trưởng Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang phát biểu tại cuộc họp báo.

Trên cơ sở các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2025 do Quốc hội và Chính phủ đề ra, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, có điều chỉnh phù hợp diễn biến, tình hình thực tế và Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm, thông báo công khai, minh bạch nguyên tắc xác định để các ngân hàng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so cuối năm 2024, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh.

Trong 5 tháng đầu năm 2025, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 45,44% về số lượng và 25,21% về giá trị; qua kênh Internet tăng 47,09% về số lượng và 34,46% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 39,90% về số lượng và 23,22% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng 76,62% về số lượng và 179.14% về giá trị; qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 9,99% về số lượng và tăng 39,85% về giá trị; qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 14,33% về số lượng và 3,85% về giá trị,.... so với cùng kỳ năm 2024.

Định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng tiếp theo trong năm 2025, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần ưu tiên , đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, trong đó tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để giảm lãi suất cho vay.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và trong nước, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát,…

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-dung-nen-kinh-te-dat-hon-172-trieu-ty-dong-den-ngay-306-post892344.html