Tín dụng sẽ tăng mạnh vào cuối năm nhưng khó đạt mục tiêu
Tăng trưởng tín dụng được dự báo bức tốc mạnh trong tháng cuối năm, nhưng cũng khó bù đắp cho những tháng đầu năm. Do đó, tính chung cả năm, tín dụng chỉ tăng khoảng 11-12%, thấp hơn nhiều so với các năm trước và kém xa mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra hồi đầu năm.
Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 11 đạt 9,15%, cao hơn 2% so với cuối tháng 10. Chỉ trong vòng một tháng, khoảng 200.000 tỷ đồng vốn được bơm ra nền kinh tế.
Trước đó, tính đến ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%. Như vậy, chỉ trong hơn một tuần cuối tháng 11, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm gần 1%, tương đương tăng hơn 112.000 tỷ đồng.
Hàng loạt ngân hàng tung gói tín dụng lãi suất thấp
Ngày 18/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM công bố tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tính đến cuối tháng 11 đạt 3,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM, cho biết tháng 11 là một trong các tháng mà tín dụng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm (tháng 3 tăng 1,37%). Nguyên nhân là do tính chất mùa vụ, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và Tết âm lịch.
Trong đó, nhu cầu vốn cho sản xuất, phân phối hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của người dân tăng lên. Nhu cầu tiêu dùng mua sắm, du lịch và dịch vụ tăng… đã kích thích sản xuất và tiêu dùng, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng.
Ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật (Cần Thơ) chia sẻ, nhu cầu gạo trên thị trường thế giới lớn, giá gạo tăng kỷ lục, sản lượng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp Việt cũng tăng theo. Nhờ sự hỗ trợ về nguồn vốn, doanh nghiệp đã chủ động thu mua lúa gạo từ bà con và giúp có cơ hội ngay khi có đơn hàng về.
Lượng đơn hàng của Công ty Boca Commodity (Hà Nội) - doanh nghiệp chuyên nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, tăng thêm hơn 30% dịp cuối năm. Doanh nghiệp đã lên kế hoạch với ngân hàng để có vốn kịp thời, đặc biệt là chủ động phương án nhằm bảo hiểm rủi ro tỷ giá. "Tháng 12 này, chúng tôi nhập khẩu khoảng 4 - 5 triệu USD. Chúng tôi tiết kiệm được 3 - 5 tỷ đồng so với việc không có sự chuẩn bị trước", ông Nguyễn Bá Dũng, Tổng giám đốc Boca Commodity thông tin.
Đón trước nhu cầu vốn sẽ tăng lên, các ngân hàng đã triển khai nhiều gói vay với lãi suất ưu đãi chỉ từ từ 4% - 6%/năm, từ đó kích thích nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LBBank) vừa triển khai gói lãi suất ưu đãi 2.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn từ nay tới cuối tháng 6/2024 với lãi suất từ 6,5%/năm.
Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) có chương trình ưu đãi cho vay "Hạn mức sẵn sàng - Bứt phá kinh doanh" đồng hành trong mùa kinh doanh cuối năm, với lãi suất cho vay từ 8,2%/năm. Ngân hàng cũng giảm tối đa 2,8 điểm % cho khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.
Ngân hàng Bản Việt (BVBank) cũng vừa triển khai gói vay 3.000 tỷ đồng kích cầu tiêu dùng với lãi suất ưu đãi từ 5,5%/năm cho khách hàng cá nhân, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn giai đoạn cao điểm cuối năm.
Tăng trưởng tín dụng tăng nhanh trong tháng cuối năm
Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, với những doanh nghiệp có đơn hàng, đầu ra sản phẩm ổn định sẽ được ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp SHB cho hay: "Khi tham gia vào chuỗi liên kết, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng do họ đã xác định được đầu vào, đầu ra cụ thể. Về phía ngân hàng, khi tài trợ cho khách hàng trung tâm, chúng tôi dễ dàng kiểm soát được dòng tiền, qua đó giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, giảm thiểu rủi ro khi tham gia vào chuỗi giao dịch".
Trước đó, để kịp thời cấp vốn cho doanh nghiệp dịp cuối năm, NHNN đã quyết định nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đã sử dụng hết 80% chỉ tiêu. Các ngân hàng sẽ tự động được tăng cho vay mà không cần phải xin NHNN, miễn là việc cho vay đảm bảo đúng các quy định.
Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM Nguyễn Đức Lệnh nhận định, việc NHNN điều chỉnh và phân bổ hạn mức tín dụng phù hợp cũng có tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện khai thác tốt tính chất mùa vụ cuối năm.
Trong tháng 12 vẫn còn dư địa gần 638.000 tỷ đồng tiền vốn cần được bơm ra cho thị trường để đạt được mức tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm 2023. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng của hai tháng cuối năm nhanh hơn do cầu tín dụng đang được cải thiện tích cực, nhưng cũng khó bù đắp cho những tháng đầu năm. Do đó, tính chung cả năm, tín dụng chỉ tăng khoảng 11%.
Ở góc độ ngân hàng, lãnh đạo nhà băng khẳng định giai đoạn cuối năm, ngân hàng sẽ cố gắng giải ngân hết room tín dụng được cấp nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch Hội đồng quản trị MB Lưu Trung Thái đề xuất, để giảm lãi suất dài hạn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, cần nghiên cứu cơ chế bảo vệ người cho vay khi có nợ xấu. Qua đó đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, giảm chi phí nợ xấu sẽ giảm thêm được giảm lãi suất cho vay. Cách thức này được nhiều nước trong khu vực làm rất triệt để và đạt hiệu quả.