Tín dụng tăng mạnh ngay từ đầu năm
Trong ba tháng đầu năm 2025, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt mức 2,5% so với cuối năm 2024, cao gấp gần 10 lần so với mức tăng cùng kỳ năm trước.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực 8” do NHNN tổ chức chiều 3/4 tại Hà Tĩnh.
Đây được xem là tín hiệu tích cực, phản ánh tác động rõ nét từ các giải pháp điều hành linh hoạt và chủ động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tín dụng tăng tốc, lan tỏa
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, hệ số sử dụng vốn hiện đã đạt 103%, cho thấy nguồn lực tài chính đang được khai thác tối ưu để hỗ trợ tăng trưởng.
Tại riêng khu vực 8, dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 2/2025 đạt khoảng 535.700 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2024, chiếm 33% tổng dư nợ toàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trọng điểm, đặc biệt là công nghiệp và xây dựng, tiếp tục thu hút dòng vốn lớn và tăng trưởng tích cực, đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Năm 2025, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 16%, đồng thời hỗ trợ các địa phương khu vực 8 đạt mức tăng trưởng GRDP từ 8% đến 10,5% - cao hơn nhiều so với bình quân cả nước và trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều thách thức.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất, đẩy mạnh tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp, đồng thời kiểm soát rủi ro tại các lĩnh vực nhạy cảm.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số được nhấn mạnh nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ vay vốn.
Các ngân hàng cũng được khuyến khích tăng cường kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tháo gỡ các nút thắt liên quan đến tài sản đảm bảo, lịch sử tín dụng và nợ xấu.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại khu vực cho biết, nhiều DN nhỏ vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn do các yêu cầu nghiêm ngặt về tài sản thế chấp.
Một số ý kiến đề xuất ngân hàng cần linh hoạt hơn trong thẩm định tín dụng, kết hợp với chính sách hỗ trợ lãi suất, giãn nợ hoặc cơ cấu lại thời gian trả nợ.
Trước nhu cầu gia tăng về vốn, đại diện các ngân hàng cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp và khẳng định vai trò chủ động trong tháo gỡ khó khăn.
Đồng thời, ngân hàng cũng đề nghị doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, minh bạch tài chính và quản lý rủi ro.
Chính quyền địa phương được kỳ vọng sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong cải thiện hạ tầng và phòng chống thiên tai – yếu tố thường xuyên ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư kinh doanh tại khu vực.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng nhấn mạnh: “Tăng trưởng tín dụng không chỉ là mục tiêu định lượng mà là công cụ để thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2025, ngành ngân hàng sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng”
Tăng trưởng kết hợp kiểm soát rủi ro
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16%.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, trung bình cần hơn 2% tăng trưởng tín dụng để đạt được 1% tăng trưởng GDP. Do đó, nếu mục tiêu tăng trưởng GDP là 8%, thì tăng trưởng tín dụng cần đạt khoảng 16%.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng việc NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% là phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chất lượng tín dụng và đảm bảo vốn được phân bổ hiệu quả vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tránh tập trung quá mức vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Theo dự báo của các tổ chức lớn như công ty chứng khoán ACB (ACBS) hay công ty chứng khoán MB (MBS), tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2025 được dự báo đạt 15-16%, phù hợp với mục tiêu NHNN đề ra.
Trong đó, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao sẽ là những yếu tố chính thúc đẩy hoạt động tín dụng trong năm tới.
Tuy nhiên, các tổ chức này cũng lưu ý rằng chất lượng tài sản và vấn đề nợ xấu vẫn là thách thức lớn đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ tập trung vào khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng để tránh nguy cơ lạm phát và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính là rất quan trọng.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/tin-dung-tang-manh-ngay-tu-dau-nam-d39623.html