Tín dụng tăng thấp như thời kỳ có dịch, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành?

Tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 3/2023 chỉ tăng 1,61%, bằng 40% cùng kỳ năm ngoái và quay trở lại mức tăng trưởng tín dụng thấp kỷ lục thời kỳ đầu Covid-19 (quý I/2020).

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 20/3/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 0,57% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,77% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,15%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 4,03%).

Trên thị trường liên ngân hàng phiên hôm qua, lãi suất chào bình quân tiền đồng tiếp tục giảm 0,04 - 0,34% ở tất cả các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất qua đêm chỉ còn 1,16%/năm. Sáng nay, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm thêm.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Tuy nhiên, nhiều khả năng tín dụng sẽ tăng thấp hơn con số này.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra vào đầu tháng 3, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng 2 tháng đầu năm tăng chậm do thời điểm này trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Bên cạnh đó, sức khỏe nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Đơn hàng của nhiều doanh nghiệp cũng suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái. Ngoài ra, những năm trước, tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, song năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Do cầu tín dụng suy giảm, thanh khoản dồi dào, một số chuyên gia phân tích dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành, cụ thể là lãi suất tái cấp vốn. Trong lần giảm lãi suất điều hành gần đây (15/3), Ngân hàng Nhà nước đã không điều chỉnh mức lãi suất này. Các chuyên gia VNDirect cho rằng, nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thiên về chính sách nới lỏng hơn trong giai đoạn sắp tới.

“Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẵn sàng kết thúc chu kỳ tăng lãi suất ngay sau tháng 5/2023 và tỷ lệ lạm phát trong nước đang cho thấy một số dấu hiệu đảo chiều, chúng tôi dự đoán rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 100 điểm cơ bản đâu đó trong quý II/2023 xuống còn 5% (hiện là 6%). Hiện tại, chúng tôi nghĩ đây có thể là động thái một lần kèm nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn có thể được thực hiện nếu áp lực lạm phát trong nước giảm bớt, mặc dù điều này rất không chắc chắn ở thời điểm hiện tại”, các chuyên gia UOB dự báo.

Dù Ngân hàng Nhà nước đột ngột cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản vào tháng 3, UOB cho rằng, sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp cùng với lạm phát giảm có thể sẽ giữ ổn định cho VND.

“Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ nối gót các cặp tỷ giá ngoại hối USD/châu Á khác tiến tới mốc cao hơn là 24.200 trong quý II/2023 trước khi giảm xuống 24.000 trong quý III, 23.800 trong quý IV năm 2023 và 23.600 trong quý I năm 2024” – UOB dự báo.

Theo đánh giá của UOB, VND nổi bật là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở châu Á, bất chấp những thay đổi lớn trong kỳ vọng tăng lãi suất của Fed, lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu và tình trạng rối loạn của hệ thống ngân hàng Mỹ.

T.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tin-dung-tang-thap-nhu-thoi-ky-co-dich-ngan-hang-nha-nuoc-co-the-giam-them-lai-suat-dieu-hanh-d186503.html