Tín dụng tăng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ và tiêu dùng tăng cao trở thành yếu tố thuận lợi giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2024.
PV: Tính đến cuối tháng 11/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng đang cao hơn so với tháng trước. Ông có nhận định gì về mức tăng trưởng này?
Ông Nguyễn Đức Lệnh: Tại TP. Hồ Chí Minh, tín dụng tháng 10/2024 tăng 0,98% và tính đến cuối tháng 11/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 3.828 nghìn tỷ đồng, tăng 1,14% so với tháng trước; tăng 8,1% so với cuối năm 2023 và tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Tín dụng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy hoạt động này tăng trưởng tích cực. Theo đó, dư nợ tín dụng ngoại tệ đã tăng trưởng dương trở lại trong tháng 10 và tháng 11/2024, riêng tháng 11/2024 tăng 3,14%. Tín dụng VNĐ vẫn chiếm tỷ trọng cao (chiếm 96,1%) trong tổng dư nợ tín dụng và tăng trưởng cao hơn mức tăng chung trên địa bàn, tăng 8,6% so với cuối năm trước và 13,4% so với cùng kỳ. Kết quả này, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.
Yếu tố lãi suất cho vay thấp cùng với việc giải ngân các gói tín dụng ưu đãi và các chương trình tín dụng được tổ chức thực hiện thông qua chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp có hiệu quả là yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng trong 11 tháng trên địa bàn.
PV: Lĩnh vực nào đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Lệnh: Phân tích dư nợ tín dụng theo ngành lĩnh vực, tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực bao gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực.
Riêng cho vay bằng ngoại tệ (là cho vay có điều kiện chỉ cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu theo quy định) đã tăng trưởng dương trở lại trong 2 tháng gần đây.
Đến cuối tháng 11/2024, dư nợ cho vay ngoại tệ THÔNG BÁO ĐẤU GIÁ TÀI SẢN trên địa bàn đạt gần 148 nghìn tỷ đồng, tăng 3,14% so với tháng trước và chiếm 3,8% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Các hoạt động tín dụng tiêu dùng; cho vay các lĩnh vực khác cũng tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm, đã tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố, đồng thời tác động tích cực trở lại đối với quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng trên địa bàn hiện nay.
PV: Thưa ông, để góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường, phía NHNN sẽ triển khai những biện pháp nào?
Ông Nguyễn Đức Lệnh: Mục tiêu chính sách tiền tệ hiện nay, đồng thời cũng là nhiệm vụ của ngành Ngân hàng là ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đây là nhiệm vụ kép và NHNN đã và đang sử dụng hiệu quả các công cụ chính sách để đảm bảo lãi suất hợp lý vừa hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo giá trị tiền đồng, kìm giữ lạm phát trong mối liên hệ hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá, để ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả chính sách và công cụ điều hành của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng tích cực và chủ động cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động để tiết giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm lãi suất cho vay bền vững cũng như giảm thời gian giao dịch cho khách hàng, để hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả và thiết thực nhất.
PV: Theo ông, với đà tăng trưởng của 2 tháng vừa qua, cộng thêm những yếu tố thuận lợi khác có góp phần thúc đẩy tăng trưởng GRDP của thành phố đạt kế hoạch trong năm 2024?
Ông Nguyễn Đức Lệnh: Như đã phân tích ở phần trên, cuối năm thường nhu cầu vốn tăng cao để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ và du lịch dịp Tết cổ truyền. Yếu tố này tác động trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm. Ở góc độ quản trị, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng thường là nhu cầu vốn ngắn hạn, khả năng hấp thụ vốn tốt, vòng quay vốn tăng nhanh. Vì vậy vốn tín dụng được sử dụng hiệu quả hơn.
Hiện nay, các TCTD trên địa bàn đã và đang chủ động mở rộng và tăng trưởng tín dụng để đáp ứng kịp thời vốn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh dịp cuối năm, khi tổng cầu của nền kinh tế tăng nhanh gắn với các hoạt động xuất khẩu và sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu dip tết cũng như tất cả các nhu cầu phục vụ đời sống, đi lại và du lịch của người dân tăng cao.
Tóm lại, kết quả tăng trưởng tín dụng 11 tháng trên địa bàn cùng yếu tố thuận lợi tác động sẽ tiếp tục là động lực góp phần thúc đẩy tín dụng trên địa bàn đạt tốc độ tăng trưởng hai con số khi kết thúc năm kế hoạch và phù hợp với với mức tăng trưởng GRDP của thành phố (dự kiến) là 7,17% trong năm 2024. Đồng thời, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội của thành phố và là cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2025 - năm có ý nghĩa quan trọng quyết định hoàn thành nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025.
PV: Xin cảm ơn ông!