Tín dụng tiếp tục được tập trung cho lĩnh vực ưu tiên

Đến hết quý III/2019, dư nợ tín dụng của nền kinh tế tăng 8,64%, mặt bằng lãi suất cho vay được duy trì ổn định, đặc biệt, tỷ giá được 'neo' phù hợp với các mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, những tháng còn lại của năm 2019 lãi suất sẽ không tăng, chính sách điều hành vẫn được duy trì đảm bảo các mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Tín dụng tiếp tục được tập trung cho lĩnh vực ưu tiên

Thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2019, diễn ra sáng 1/10, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính đến hết quý III, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,58% so với cuối năm 2018, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64%, cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Về cơ bản, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định, từ ngày 16/9/2019, NHNN điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo đánh giá của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, lãi suất hiện nay được xem là tốt nhất trong điều hành, hài hòa giữa người vay và người gửi tiền. Việc giảm lãi suất điều hành vào giữa tháng 9 vừa qua là một thông điệp cho thấy nền kinh tế vĩ mô ổn định, các ngân hàng thương mại cũng sẽ có thể từ đó để giảm lãi suất cho vay; sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Chủ trương của NHNN. Những tháng cuối năm, lãi suất sẽ không tăng, còn giảm nữa hay không sẽ phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô và các chỉ số kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ có những bước điều chỉnh chính sách lãi suất phù hợp.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; ở mức 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,5-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết thêm: tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá như: Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%; Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,2%; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%; Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6%; Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%. Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ như cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay khuyến khích nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nhà ở xã hội,...cũng được các TCTD tiếp tục triển khai quyết liệt.

Không giảm giá tiền đồng

Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường; thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Giải đáp những ý kiến của báo giới về việc có một số quan điểm là cần giảm giá tiền đồng để đẩy mạnh xuất khẩu, Phó Thống đốc cho rằng: Việc phá giá hay tăng giá tiền đồng ở Việt Nam còn phải tính đến vấn đề chung trong tổng thể nền kinh tế, để điều hành hợp lý tạo sự ổn định và lợi ích tốt nhất cho thị trường. Xuất khẩu chậm lại đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó chịu tác động chủ yếu bởi diễn biến thị trường thế giới khi xuất khẩu nhiều nền kinh tế lớn cũng giảm tốc. “Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đã nhận định NHNN điều hành chính sách ngoại hối vừa qua và hiện nay rất hài hòa, hợp lý. NHNN còn phải tính đến nhập khẩu và các cân đối vĩ mô, không thể lấy tỷ giá làm công cụ thúc đẩy xuất khẩu,” Phó thống đốc nhấn mạnh.

Cũng liên quan tới vấn đề ngoại tệ, Theo quy định của Thông tư 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN, từ ngày 1/10 các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh. Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Những tháng cuối năm 2019, NHNN điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ti-n-du-ng-tie-p-tu-c-duo-c-ta-p-trung-cho-li-nh-vu-c-uu-tien-126016.html