Tín dụng vẫn trong giai đoạn suy giảm, vẫn chưa chạm đáy?

Lãi suất sẽ ra sao trong 5 tháng cuối năm là điều thị trường đặc biệt quan tâm. Trong nửa đầu năm mặt bằng lãi suất cho vay vẫn neo ở mức trên 10%/năm khiến doanh nghiệp và người dân không biết làm gì trong bối cảnh kinh tế rất khó để 'gánh' được mức lãi vay còn rất cao như vậy.

Theo các chuyên gia HSBC, Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm tín dụng, đây là một khó khăn khác đối với tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng đã giảm kể từ tháng 11/2022 và vẫn chưa chạm đáy.

Lãi vay còn trên 10% lo nền kinh tế không “khỏe mạnh”

Thẳng thắn nhìn nhận về chính sách tiền tệ, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14-15%/năm, bất chấp Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành.

Theo ông Nghĩa, chính sách tiền tệ của Việt Nam bắt đầu chuyển sang hướng hỗ trợ phục hồi, lãi suất tiền gửi đã giảm sâu nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao. Ông lấy ví dụ: một doanh nghiệp trong lĩnh vực điện mặt trời vẫn phải trả lãi suất đi vay lên tới 17%/năm và mới chỉ được ngân hàng hứa giảm xuống 14%/năm vào tháng 9 này.

Các ngân hàng đang tìm mọi cách cạnh tranh tăng trưởng tín dụng, nhất là những tháng còn lại của năm khi room tín dụng vẫn còn dư dả và cầu vốn dự báo tăng.

Các ngân hàng đang tìm mọi cách cạnh tranh tăng trưởng tín dụng, nhất là những tháng còn lại của năm khi room tín dụng vẫn còn dư dả và cầu vốn dự báo tăng.

“Nếu trừ 4% lạm phát thì lãi suất thực là 10%, không có nước nào trên thế giới có lãi suất thực khủng khiếp như vậy”, ông Nghĩa nhận định và cho biết, doanh nghiệp và người dân không biết làm gì trong bối cảnh hiện nay để "gánh" được mức lãi vay còn rất cao như vậy.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT IMG Lê Tự Minh cũng phải thẳng thắn thừa nhận, đã đến lúc giảm lãi suất trung hạn xuống dưới 10%, bởi với mức lãi suất cao như hiện nay thì "không có nền kinh tế nào khỏe mạnh". Thực tế tại các nước phát triển, ông Minh cho biết mức lãi suất trung hạn chỉ từ 3% - 5%/năm, tức là chưa bằng một nửa lãi vay trong nước đang áp dụng.

Từ đó, ông kỳ vọng lãi suất trung hạn chỉ nên ở mức 8,5%/năm như 2 năm trước và biên độ 12 tháng dưới 3%. Điều này mới giảm bớt được khó khăn cho doanh nghiệp, để Việt Nam tiếp tục là một con rồng của Châu Á.

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng trong tháng 7 càng cho thấy, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang ở mức thấp. Theo báo cáo trích dẫn của SSI, tăng trưởng dư nợ ngành ngân hàng vào cuối tháng 7/2023 được ghi nhận là 4,3% so với cuối năm 2023, giảm nhẹ so với mức 4,7% được công bố vào cuối tháng 6/2023 của Ngân hàng Nhà nước.

"Nóng" câu chuyện lãi suất

Thực tế, câu chuyện lãi vay cao đã nhắc đến trong suốt nhiều tháng qua. Thủ tướng Chính phủ nhiều lần chỉ đạo ngành ngân hàng quyết liệt cắt giảm chi phí, cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác để giảm lãi suất cho vay thực chất cho doanh nghiệp, người dân. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành, điều kiện giúp các ngân hàng thương mại hạ nhiệt lãi vay.

Tại Nghị quyết số 124/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa ban hành một lần nữa cho thấy chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Mặc dù nguyên nhân tín dụng tăng chậm không chỉ từ phía ngân hàng, song để có thể hoàn tất được chỉ tiêu kinh doanh đưa ra cho năm 2023 các ngân hàng đang tìm mọi cách cạnh tranh tăng trưởng tín dụng, nhất là những tháng còn lại của năm khi room tín dụng vẫn còn dư dả và cầu vốn dự báo tăng.

Biểu hiện, ngay đầu tuần này, một loạt ngân hàng đã giảm lãi suất lên đến 0,5% ở một số kỳ hạn. Điển hình, Viet Capital Bank đồng loạt giảm 0,5 điểm % các kỳ hạn từ các kỳ hạn 6 tháng trở lên, theo đó, kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 6,8%/năm từ ngày 14/8...

Trong tuần qua, hàng loạt ngân hàng như ACB, NCB, HDBank, SHB, MSB, Eximbank… đã thay đổi biểu lãi suất huy động. Phần lớn các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm 0,1-0,3 điểm % so với trước.

Nhóm Big4 (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) không có biến động lãi suất trong thời gian gần đây, ngân hàng vẫn giữ nguyên mức cao nhất là 6,3%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên, các “ông lớn” không còn là những ngân hàng có lãi suất thấp nhất thị trường.

Bên cạnh việc giảm lãi suất huy động, các ngân hàng đồng loạt tung các gói vốn ưu đãi kích cầu tín dụng cho nhiều đối tượng khách hàng như: LPBank vừa quyết định mở rộng gói tín dụng ưu đãi lên 10.000 tỷ đồng. Mức lãi suất từ 7,5%/năm dành cho vay doanh nghiệp và 8,5%/năm cho khách hàng cá nhân. Ngay cả Viet Capital Bank cũng triển khai gói vay 7.000 tỷ đồng kích cầu tiêu dùng với lãi suất chỉ từ 8,8%/năm, giảm đến 2%/năm so với lãi suất thông thường. Thời gian áp dụng từ ngày 04/8 - 31/12/2023.

Nhiều ngân hàng khác cũng đẩy mạnh gói ưu đãi lãi suất vay giảm từ 0,5 - 3% lãi vay so với biểu lãi suất, đồng thời tăng quy mô gói vay ưu đãi như: ACB, Vietcombank, Sacombank, BIDV...

Bộ phận phân tích tại Công ty Chứng khoán VnDirect dự báo, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn từ nay tới cuối năm do chi phí vốn của các ngân hàng đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 02 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.

Trong khi đó, TS Nghĩa dự báo nhiều khả năng cuối năm nay Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất và có thể giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/tin-dung-van-trong-giai-doan-suy-giam-van-chua-cham-day-1094616.html