Tín dụng xanh: Khó có vốn giá rẻ

Dư nợ tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng Việt Nam tính đến 30/9/2024 mới chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Các chuyên gia đánh giá Việt Nam đang có cơ hội thu hút dòng vốn quốc tế tài trợ tín dụng xanh.

Không có chuyện lãi suất rẻ hơn khi vay tín dụng xanh

Tại Hội thảo "ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu" ngày 19/11, bà Lê Mai, Giám đốc Quan hệ khách hàng kiêm Giám đốc Quốc gia về Tài trợ bền vững, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, cho hay ngân hàng này dành 300 tỷ USD trên toàn cầu để tài trợ bền vững tới năm 2030, hiện mới giải ngân được hơn 87 tỷ USD và mong muốn được giải ngân nhiều hơn, trong đó có Việt Nam.

Dưới góc độ là đại diện công ty tư vấn chuyên làm việc với các ngân hàng, bà Nguyễn Thùy Dương - Chủ tịch CTCP Tư vấn EY Việt Nam (EY Việt Nam) - thông tin, có khoảng 70% các ngân hàng tại Việt Nam đã triển khai ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị). Tuy nhiên, cân đối lợi ích trước mắt và lợi ích dài hạn trong triển khai là việc khó khăn nhất của các ngân hàng.

“Sau khi cân đối lợi ích, ngân hàng sẽ nhận ra rằng sẽ không có câu chuyện lãi suất (cho vay - PV) rẻ hơn đối với các dự án xanh”, bà Nguyễn Thùy Dương khẳng định.

Bà Nguyễn Thùy Dương - Chủ tịch CTCP Tư vấn EY Việt Nam.

Bà Nguyễn Thùy Dương - Chủ tịch CTCP Tư vấn EY Việt Nam.

“Trước đây chúng ta đều nghĩ rằng khi đã huy động được nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, hoặc từ các dự án ODA, là có thể cho vay với lãi suất tốt hơn, nhưng điều đó là không có. Thậm chí còn đắt hơn”, bà Dương nói.

Chủ tịch EY Việt Nam phân tích, ít nhất dưới góc độ của một doanh nghiệp đi vay vốn tín dụng xanh, họ phải đảm bảo các quy định và các tiêu chí. Thứ hai, bản thân các ngân hàng cũng phải dành nguồn lực để theo dõi việc khách hàng sử dụng vốn vay.

“Trong khi đó, khối lượng dữ liệu trong ngân hàng rất lớn. Một mặt, ngân hàng phải đảm bảo tuân thủ các quy định; mặt khác, làm sao để phân bổ được nguồn vốn cho vay tín dụng xanh trong toàn bộ nguồn vốn tín dụng. Đáp ứng được yêu cầu về mặt tăng trưởng tín dụng và các chỉ tiêu về vốn thì rất khó”, bà Dương dẫn chứng về việc khó có nguồn vốn tín dụng xanh giá rẻ.

ESG là cơ hội kinh doanh

Tuy nhiên, không vì thế mà không thể thực hành ESG trong các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Theo bà Lý Thu Nga, Trưởng Hợp phần cải cách, khu vực Tài chính xanh, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), việc thực hành ESG không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội kinh doanh cả trong ngắn hạn và dài hạn đối với các doanh nghiệp và ngân hàng.

“Các ngân hàng ở châu Âu chia sẻ rằng họ coi việc chuyển đổi xanh, thực thi ESG là cơ hội để họ phát triển kinh doanh. Có ngân hàng áp dụng công nghệ để thúc đẩy việc chuyển đổi xanh, đem lại lợi ích tối ưu. Có ngân hàng còn định vị lĩnh vực kinh doanh của họ sẽ tập trung vào cho vay phát triển bền vững”, bà Nga chia sẻ.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đối với các quốc gia đang phát triển, gặp khó khăn về nguồn vốn như Việt Nam, khuyến khích các ngân hàng thực thi ESG vì “cơ hội kinh doanh” là rất khó. Bởi khi đó, các ngân hàng thường phải hi sinh lợi ích ngắn hạn, nhìn về mục tiêu dài hạn.

Chính vì vậy, để đẩy mạnh thực thi ESG, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, cần cảnh báo về các rủi ro mà ngân hàng, doanh nghiệp có thể gặp phải nếu không áp dụng.

Đại diện cho tổ chức tín dụng, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo ESG, Ngân hàng Agribank, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước cần ban hành khung pháp lý cụ thể và rõ ràng hơn về tiêu chí xã hội và quản trị đối với doanh nghiệp và ngân hàng thương mại; có chính sách ưu đãi về thuế, phí, cơ chế bảo hiểm, lãi suất, dự trữ bắt buộc để các đơn vị chủ động triển khai thực thi ESG hiệu quả.

Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/9/2024, có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).

Các tổ chức tín dụng đã tăng cường quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22,33%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023.

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tin-dung-xanh-kho-co-von-gia-re-2343697.html