Tín dụng xanh: Tiềm năng từ chính sách quốc gia
Tài chính xanh trong đó có tín dụng xanh không phải là một vấn đề mới nhưng ngày càng nhận được sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới cũng như của Việt Nam.
Ngành ngân hàng đã vào cuộc, triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Từ chỗ chỉ có 15 tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia năm 2017, đến nay đã có 50 đơn vị phát sinh dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trên 22%/năm, năm sau cao hơn năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế. Những con số này rất đáng khích lệ, tuy nhiên tỷ lệ tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng mới chiếm khoảng 4,6%, cho thấy tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc đẩy nhanh, tận dụng dư địa đó.
Tuy nhiên, thực tế các ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp không ít khó khăn khi muốn phát triển tín dụng xanh: Chưa có Danh mục phân loại xanh quốc gia, quy định chung về ESG để các Doanh nghiệp thực hành, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngày càng khắt khe; công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng... Từ đây cũng đòi hỏi một cách tiếp cận mới – toàn diện hơn, linh hoạt hơn và đồng bộ hơn giữa chính sách - thị trường - hành lang pháp lý.
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) thẳng thắn nhìn nhận: Thể chế vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Các danh mục phân loại xanh quốc gia chưa được ban hành khiến ngân hàng khó xác định dự án đủ tiêu chuẩn để cấp tín dụng xanh.
Mặc dù vậy, NHNN cũng đã chủ động ban hành Thông tư 17/2022, hướng dẫn các TCTD quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động tín dụng, tạo hành lang pháp lý bước đầu cho triển khai rộng hơn.
TS Bùi Thanh Minh - Ban IV, Văn phòng Chính phủ nhận định: Tín dụng xanh không còn là lựa chọn. Nó là yêu cầu bắt buộc nếu muốn doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu hơn. Từ Trung Quốc với mục tiêu "30-60", EU với bộ công cụ ESG, đến Mỹ, dù chính sách còn dao động, đều đang đi theo hướng kiểm soát carbon ngày càng nghiêm ngặt.
TS Lại Văn Mạnh - Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nhấn mạnh: Việc thiếu Danh mục phân loại xanh khiến các tổ chức tín dụng gặp khó trong thẩm định dự án, gây rủi ro pháp lý và cản trở triển khai tín dụng xanh một cách hiệu quả, minh bạch.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tài chính và NHNN để trình Chính phủ danh mục này, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý. TS Mạnh đánh giá cao Luật Bảo vệ môi trường 2020, khi lần đầu tiên đưa ra 2 điều khoản riêng về tín dụng xanh (Điều 149) và trái phiếu xanh (Điều 150), cùng với Nghị định 08/2022/NĐ-CP cụ thể hóa cơ chế khuyến khích.
TS Lại Văn Mạnh đề xuất Danh mục phân loại xanh cần bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, hydro xanh), giao thông vận tải không phát thải, công trình xanh, quản lý tài nguyên nước, nông nghiệp bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP/GlobalGAP, chế biến thân thiện môi trường và xử lý chất thải. Về tiêu chí môi trường, theo ông, phải bảo đảm các dự án đáp ứng yêu cầu sàng lọc, không gây hại đến các mục tiêu môi trường khác và phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.
Ông cũng khuyến nghị đa dạng hóa hình thức xác nhận dự án xanh, từ tự xác nhận đến thông qua đơn vị tư vấn hoặc tổ chức độc lập, nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm tính an toàn.