Thị trường bán lẻ Việt Nam phân hóa: Siêu thị 'thăng hoa', mặt phố chật vật

Trong khi các 'ông lớn' ngoại quốc không ngừng đổ bộ, rót tỷ đô vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại, thì ở một góc khác, những tuyến phố sầm uất lại đang 'khóc ròng' vì ế ẩm mặt bằng, giá thuê lao dốc.

Doanh nghiệp bán lẻ không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa nguồn cung ứng cho người tiêu dùng

Doanh nghiệp bán lẻ không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa nguồn cung ứng cho người tiêu dùng

Thị trường bán lẻ "nóng"

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ và hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 1.080 siêu thị, 240 trung tâm thương mại, cùng với đó là mạng lưới dày đặc gồm 8.500 chợ truyền thống, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và khoảng 2,2 triệu hộ kinh doanh cá thể.

Đáng chú ý, từ cuối năm 2024 đến nay, làn sóng đầu tư và mở rộng thị trường của các nhà bán lẻ quốc tế đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Singapore ngày càng trở nên rõ rệt. Điển hình, tập đoàn Central Retail của Thái Lan đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 1,45 tỷ USD vào Việt Nam với mục tiêu nhân đôi số lượng cửa hàng từ 300 lên 600 vào năm 2027. Một "ông lớn" bán lẻ khác của Thái Lan là MM Mega Market Việt Nam cũng vừa khánh thành kho cung ứng thứ 5 tại Sa Pa (Lào Cai), cho thấy sự chú trọng vào việc củng cố mạng lưới logistics trên cả nước.

Không nằm ngoài cuộc đua, Công ty TNHH AEON Việt Nam mới đây đã khởi công xây dựng trung tâm thương mại thứ 8 tại tỉnh Long An. Đây không chỉ là trung tâm thương mại AEON thứ 8 tại Việt Nam mà còn là dự án đầu tiên của tập đoàn này tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2025, hứa hẹn mang đến một diện mạo mua sắm hiện đại cho người dân khu vực.

Trong bối cảnh thị trường sôi động với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà bán lẻ ngoại, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng không ngừng nỗ lực tái cấu trúc và định hình lại thị trường. Hàng loạt giải pháp được đưa ra nhằm giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động và đặc biệt là nâng cao trải nghiệm mua sắm để thu hút và giữ chân khách hàng.

Minh chứng rõ nét cho xu hướng này là sự thay đổi diện mạo của siêu thị Co.opMart Hà Đông (Hà Nội) với việc mở rộng khu vực thực phẩm và khu ăn uống ngay đầu năm 2025. Cùng với đó, chuỗi siêu thị WinMart cũng tiến hành cải tạo và nâng cấp hàng loạt cửa hàng, mang đến không gian mua sắm rộng rãi và tiện nghi hơn cho khách hàng. Saigon Co.op cũng cho thấy sự thích ứng với thị trường khi khai trương siêu thị Finelife Foodstore Lumìere An Phú tại TP. Thủ Đức, một mô hình siêu thị cao cấp tích hợp khu vực thư giãn và trang bị các tiện ích hiện đại như máy tính tiền tự động.

Nhận định về xu hướng này, ông Lâm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc Satra nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt cần tận dụng lợi thế sân nhà, hiện đại hóa hệ thống sẵn có và tạo ra sự khác biệt để có thể cạnh tranh hiệu quả. Việc nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến như quầy thanh toán không tiền mặt, máy tính tiền tự động và quầy giữ đồ thông minh là yếu tố then chốt để thu hút và giữ chân người tiêu dùng trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh.

Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý I/2025, công suất bất động sản bán lẻ hiện đại (bao gồm trung tâm thương mại, khối đế bán lẻ, trung tâm bách hóa và siêu thị) duy trì ở mức cao, đạt 94%, tăng 2 điểm % theo năm.

Bán lẻ đường phố vẫn ế ẩm

Trái ngược với sự sôi động của các trung tâm thương mại hiện đại, thị trường bán lẻ đường phố tại TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt với nhiều thách thức và sự cạnh tranh gay gắt. Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, tỷ lệ mặt bằng trống tại các tuyến phố lớn vẫn chưa thể phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19.

Đáng chú ý, giá thuê mặt bằng bán lẻ trên các tuyến phố huyết mạch hiện đã giảm từ 10-20% so với năm 2019. Mặc dù các chủ nhà đã nỗ lực đưa ra nhiều ưu đãi như kéo dài thời gian giữ giá, giãn lịch thanh toán, giảm tiền cọc và linh hoạt hơn về thời hạn thuê, tình trạng mặt bằng bị bỏ trống vẫn diễn ra phổ biến, ngay cả ở những vị trí đắc địa và sầm uất.

Bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu Savills TP. Hồ Chí Minh nhận định, thị trường bán lẻ đang chứng kiến những chuyển biến sâu sắc, đặc biệt trong hành vi tiêu dùng và cách thức vận hành. Bà phân tích, sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

"Giãn cách xã hội trong dịch bệnh đã thúc đẩy người dân chuyển sang mua sắm trực tuyến và dần quen với sự tiện lợi, tiết kiệm chi phí mà kênh này mang lại. Ngay cả khi thị trường phục hồi, phần lớn người tiêu dùng vẫn duy trì thói quen này. Đây là một thay đổi mang tính dài hạn, tác động không nhỏ đến nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ truyền thống", bà Hương nhấn mạnh.

Bên cạnh sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, sự khác biệt về bản chất và cách thức vận hành giữa nhà phố và trung tâm thương mại cũng là yếu tố then chốt khiến các thương hiệu bán lẻ ngày càng ưu tiên lựa chọn trung tâm thương mại.

Vị chuyên gia Savills chỉ rõ, mặt bằng nhà phố thường thiếu sự quản lý chuyên nghiệp, giá thuê thiếu ổn định và phụ thuộc vào quyết định cá nhân của chủ nhà. Trong khi đó, trung tâm thương mại được quản lý bài bản, có chính sách giá thuê rõ ràng, môi trường kinh doanh ổn định và thu hút lượng lớn khách hàng nhờ vị trí, quy hoạch và hạ tầng đồng bộ.

"Những yếu tố này giúp các nhãn hàng yên tâm hơn trong việc kiểm soát rủi ro và chi phí vận hành", bà Hương nói.

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp bán lẻ đang buộc phải rà soát, tái cơ cấu danh mục cửa hàng và tối ưu hóa chi phí. Với những lợi thế về vận hành và khả năng thu hút khách hàng, mô hình bán lẻ hiện đại, đặc biệt là trung tâm thương mại, đang trở thành lựa chọn hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của nhiều thương hiệu.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thi-truong-ban-le-viet-nam-phan-hoa-sieu-thi-thang-hoa-mat-pho-chat-vat-163533.html