Tín hiệu đột phá trong quan hệ Syria - Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc hội đàm ba bên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tại Moscow hôm 28/12 (giờ địa phương) là dấu hiệu rõ ràng cho nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Ankara và Damascus sau hơn một thập kỷ đóng băng.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng nước này đồng thời là người đứng đầu Tổ chức tình báo quốc gia (MIT) Hulusi Akar đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Syria Ali Mahmoud Abbas tại Moscow cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. "Cuộc khủng hoảng Syria, vấn đề người tị nạn và những nỗ lực chung chống lại tất cả các nhóm cực đoan tại Syria đã được thảo luận trong cuộc họp", thông báo nêu rõ.
Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cũng ra thông cáo nói thêm rằng cuộc họp "mang tính xây dựng" với sự cần thiết "tiếp tục đối thoại vì sự ổn định hơn nữa" tình hình ở Syria và khu vực. Hãng Thông tấn nhà nước SANA của Syria dẫn lời Bộ Quốc phòng nước này đồng thời cho biết, cuộc gặp giữa quan chức ba nước đã diễn ra "một cách tích cực".
Trên thực tế, đây là lần đầu tiên một cuộc gặp ba bên như vậy được tổ chức kể từ năm 2011, thời điểm xung đột bùng phát tại Syria. Từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì quan điểm phản đối chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, ủng hộ phe đối lập Syria và mở cửa biên giới để hàng chục nghìn người tị nạn Syria tràn sang châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành một loạt các cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào lực lượng người Kurd và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Sirya kể từ năm 2016. Đáng chú ý, từ trung tuần tháng 7/2022, Thổ Nhĩ Kỳ còn tăng cường các cuộc tấn công vào các khu vực do người Kurd kiểm soát ở Syria.
Tuy nhiên, một diễn biến mang tính bước ngoặt đã diễn ra vào tháng 8 vừa qua, khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố nước này không ra bất cứ điều kiện tiên quyết nào để đối thoại với Syria, song đề nghị các cuộc đàm phán nên tập trung vào an ninh tại khu vực biên giới - một động thái được đánh giá là làm dịu hơn lập trường của Ankara đối với Damascus sau một thập kỷ thù địch. Ngoại trưởng Cavusoglu cũng tiết lộ, tháng 10/2021, ông đã gặp người đồng cấp Syria Faisal Mekdad bên lề một hội nghị thượng đỉnh tại Belgrad.
Tín hiệu tan băng trở nên rõ rệt hơn hôm 15/12, khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết đã đề xuất với người đồng cấp Nga Vladimir Putin thành lập một cơ chế ba bên với Nga và Syria để thúc đẩy ngoại giao giữa Ankara - Damascus, đồng thời bày tỏ mong muốn gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Đài Phát thanh truyền hình Haberturk dẫn phát biểu của Tổng thống Erdogan với báo giới sau chuyến công du Turkmenistan nêu rõ, ông Erodgan đã đề nghị ông Putin khởi xướng một loạt cuộc gặp giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Syria nhằm cải thiện mối quan hệ căng thẳng lâu nay giữa Ankara với Damascus.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói: "Trước tiên là các cơ quan tình báo, tiếp đến là các Bộ trưởng Quốc phòng, và sau đó là các Bộ trưởng Ngoại giao có thể gặp nhau. Sau những cuộc họp này, chúng tôi với tư cách là các nhà lãnh đạo có thể gặp nhau. Tôi đã đưa ra đề nghị này với ông Putin và ông ấy thể hiện quan điểm tích cực về điều đó".
Tuy nhiên, cuộc gặp giữa quan chức quốc phòng ba nước cũng diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vừa phát động chiến dịch Claw-Sword ở miền Bắc Iraq và Syria - một chiến dịch trên không xuyên biên giới nhằm vào PKK/YPG - nhóm bị Ankara cáo buộc lên kế hoạch và đôi khi thực hiện các cuộc tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công quân sự vào Syria chống lại lực lượng bảo vệ người Kurd (YPG). Lực lượng này bị coi là một nhánh của lực lượng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Syria và Iraq mà Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu coi là một nhóm khủng bố.
Trước đó, căng thẳng đã leo thang ở biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đánh bom khủng bố khiến hàng chục người thương vong ở Istanbul hồi tháng 11. Ankara cho biết đây là vụ khủng bố nghiêm trọng nhất từng xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 năm qua, đồng thời cáo buộc thủ phạm là các thành viên thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK). Phía PKK đã phủ nhận liên quan tới vụ tấn công trên, song Tổng thống Erdogan cảnh báo có thể tiến hành chiến dịch quân sự trên bộ tại Syria.
Những động thái này, theo Reuters, cho thấy có nhiều dấu hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện hướng tới hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, dù còn khá sớm để bình luận về tín hiệu bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai quốc gia này. Những bất đồng và đối đầu kéo dài suốt 11 năm qua giữa hai nước láng giềng sẽ cần rất nhiều thiện chí và thỏa hiệp để đạt được tiếng nói chung trên bàn đàm phán, vì lợi ích của hai nước và ổn định của toàn khu vực.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/tin-hieu-dot-pha-trong-quan-he-syria-tho-nhi-ky-i679360/