Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong
Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.
Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.
Lĩnh vực phát triển kinh tế của huyện Cao Phong chủ lực là các loại cây trồng: cam, mía, chuối và một số cây ăn quả khác. Theo đánh giá của huyện, trong những tháng đầu năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, công tác gieo trồng vụ chiêm xuân được triển khai và hoàn thành đúng kế hoạch.
Thống kê diện tích cây ăn quả có múi toàn huyện hiện có trên 1.740 ha. Trong đó, diện tích cây cam trên 1.357 ha (thời kỳ kinh doanh 1.328,5ha; thời kỳ kiến thiết cơ bản 28,9ha); quýt 73 ha; chanh 56,6 ha; bưởi trên 257 ha. Toàn huyện có 179 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn hiệu lực, sản lượng niên vụ 2023 - 2024 dự kiến trên 20.000 tấn. Đến thời điểm này đã thu hoạch trên 90% diện tích cam, quýt, bưởi niên vụ 2023 - 2024; diện tích còn lại là cam V2 đang trong thời kỳ thu hoạch với giá bán trên 30.000 đồng/kg.
Tổng đàn trâu hiện có 8.580 con, bằng 101,24% so với cùng kỳ; gần 2.200 con bò, bằng 101,53% so với cùng kỳ; gần 21.900 con lợn, bằng 102,84% so với cùng kỳ; 1.980 con dê, bằng 101% so với cùng kỳ; 325.000 con gia cầm, bằng 123% so với cùng kỳ và 4.160 tổ ong, bằng 211% so với cùng kỳ...
Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tính đến hết quý I, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn huyện ước đạt 123,5 tỷ đồng, bằng 125,4% so với cùng kỳ, đạt 26,4% kế hoạch năm.
Thời gian qua, huyện tập trung cho phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến với Cao Phong. Bản Mừng, xã Hợp Phong là điểm đến thu hút du khách. Mặc dù hiện nay du lịch bản Mừng phát triển tự phát, do người dân đứng ra tổ chức. Tuy nhiên trong những ngày lễ, Tết luôn có đông du khách đến trải nghiệm, check-in những thảm hoa rực rỡ trải dài ven những sườn đồi.
Theo đồng chí Vũ Đình Bằng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cao Phong, một trong những đặc điểm của bản Mừng để phát triển được du lịch là thời tiết mát mẻ, dễ chịu, đem lại sự thư thái đối với hầu hết mọi người đặt chân đến nơi đây. Hiện huyện tập trung phát triển cơ sở hạ tầng các khu du lịch như: bản Mỗ, quần thể du lịch núi Đầu Rồng, đền Chúa Thác Bờ...
Tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, huyện quan tâm bố trí vốn đầu tư, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là một số dự án giao thông trọng điểm, kết nối hệ thống giao thông trong huyện. Như triển khai công trình cải tạo, nâng cấp đường từ thị trấn Cao Phong đến trung tâm xã Bắc Phong (giai đoạn 3) cùng hệ thống chiếu sáng trung tâm xã Bắc Phong. Chỉ đạo các xã, thị trấn tận dụng vật liệu tại chỗ sửa chữa đường, phát quang tầm nhìn hai bên đường phục vụ phát triển kinh tế, du lịch.
Trong công tác giải quyết việc làm, huyện chú trọng thu hút đầu tư, có kế hoạch phát triển 2 cụm công nghiệp. Hiện tại đã có một số nhà đầu tư đến tìm hiểu, đặt vấn đề đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Thời gian tới, theo Chủ tịch UBND huyện Cao Phong Quách Văn Ngoan, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, nhất là đối với các dự án trọng điểm, như đường Hợp Phong; đường khu dân cư mới QH13, QH13B, QH13C thị trấn Cao Phong, xã Bắc Phong; dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, ổn định dân cư cho nhân dân các xã vùng hồ sông Đà, huyện Cao Phong.
Đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án. Thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Xây dựng kế hoạch đối với từng nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2024. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất các mặt hàng truyền thống.